ĐHCĐ Vĩnh Hoàn: Mở rộng thị trường bán lẻ ở Trung Quốc, tự chủ 80% nguyên liệu
Ảnh minh họa |
Sáng nay (5/5), Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2017.
Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua nội dung các tờ trình. Bà Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới.
Phần thảo luận
- Khó khăn và thuận lợi của thị trường Mỹ? Biện pháp của Công ty?
Bà Vi Tâm: Từ năm 2015, khi đạo luật Nông trại của Mỹ được thông qua thì chúng tôi đã có trình bày chi tiết các khó khăn, thuận lợi cho việc thay đổi này.
Một trong những chiến lược của Vĩnh Hoàn là đáp ứng và vượt qua các rào cản thương mại để đáp ứng thị trường. Trong 2 năm qua, Vĩnh Hoàn có nhiều hoạt động ứng phó với chương trình Luật Nông trại Mỹ, bao gồm các hoạt động liên quan tới kỹ thuật, marketing, vận động hành lang để nói lên tiếng nói của người kinh doanh tại Mỹ.
Ngoài ra, mở rộng các khối thị trường mới như Mexico, Braxin, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu còn lại.
Ở thị trường châu Âu là phân khúc thị trường cao cấp, cung ứng chủ yếu cho các siêu thị, đối tác có thương hiệu so với tổng thể ngành xuất khẩu. Chúng tôi xây dựng chương trình cung ứng nghiêm ngặt nên không dễ bị ảnh hưởng.
- Thị trường nội địa chiếm tỷ trọng bao nhiêu %? Công ty có thúc đẩy thị trường nội địa không?
Thị trường nội địa chiếm 13 - 14%, chủ yếu là các sản phẩm thức ăn, cá và nguyên vật liệu khác. Cá tra phi lê có bán tại Metro, năm nay có bán ở BigC. Để phát triển ở thị trường nội địa thì Vĩnh Hoàn cần kênh phân phối và hệ thống logistics đảm bảo khả năng bảo quản của sản phẩm. Chúng tôi chưa có kế hoạch gì không thực tế ở thị trường nội địa.
- Kết quả kinh doanh quý I không khả quan?
Không thể nói là không khả quan, vì doanh thu bằng cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nguyên liệu khó khăn, khan hiếm. Lợi nhuận đạt 96 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái là 101 tỷ đồng. Con số vậy là một thành tích của đội ngũ công nhân viên rồi.
- Cổ đông Misubisi và kế hoạch hợp tác?
Cổ đông này đã sở hữu hơn 6%, đây cũng là khách hàng lớn, trong top 5. Có mối quan hệ làm ăn hơn 10 năm, phát triển thị trường Anh và Nhật khá tốt. Họ sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong việc mở rộng thị trường.
- Giá bán cá tra năm 2017? Kế hoạch bán hàng ở thị trường Mỹ?
Giá bán năm 2017 sẽ tăng khoảng 7 - 8% so với bình quân năm 2016. Giá bán ở thị trường Mỹ dự kiến sẽ tăng, còn về mặt sản lượng và số lượng hàng thì không có kỳ vọng quá lớn, có thể ưu tiên các thị trường chiến lược khác.
- Công ty có kế hoạch tự chủ vùng nuôi 100% không?
Bà Trương Thị Lệ Khanh: Chúng tôi có kế hoạch mở rộng vùng nuôi nhưng không phải 100%. Chúng tôi mong muốn tự chủ 80%, còn lại 20% linh hoạt theo diễn biến thị trường.
Năm 2017, Công ty sẽ tăng công suất vùng nuôi lên 240 ha, nếu thi công hoàn chỉnh thì giữa năm 2018 sẽ hoàn thành, đáp ứng tự chủ 80% nguyên liệu theo công suất hiện tại.
- Kế hoạch mở rộng thị trường ở Trung Quốc không?
Chúng tôi sẽ mở rộng thị trường bán lẻ ở thị trường Trung Quốc. Misubisi cũng sẽ hỗ trợ mở rộng mạng lưới bán hàng. Bây giờ Vĩnh Hoàn cũng đã bán toàn quốc ở Trung Quốc rồi, chủ trương mở rộng kho ở Thượng Hải và Bắc Kinh.
Kế hoạch lãi 600 tỷ đồng năm 2017
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cho biết năm 2016, ngành cá tra gặp hiện tượng xâm mặn và dịch bệnh vào cuối quý 3, làm ảnh hưởng giá. Năm 2016, ngành cá tra có tăng trưởng tốt trở lại, xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Các thị trường xuất khẩu như EU, Brazil và Mexico giảm sút, giảm lần lượt 8,5%, 12,5% và 12%.
Theo thống kê của VASEP, Vĩnh Hoàn vẫn giữ vị trí đầu ngành về tổng giá trị xuất khẩu, tương đương 251 triệu USD, chiếm 15% thị phần toàn ngành.
Năm 2016, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu hợp nhất 7.304 tỷ đồng, tăng 12% năm trước; lợi nhuận sau thuế 567 tỷ đồng, tăng 76%. Như vậy, trong 5 năm gần đây, doanh thu tăng trung bình 15%, lợi nhuận tăng trung bình 28%.
Cũng trong năm này, công ty đã tiết giảm được chi phí nguyên liệu đầu vào, trong khi giá bán ổn định, đặc biệt có sự gia tăng của kênh bán hàng thẳng vào siêu thị. Nguồn nguyên liệu đã được tự chủ, tăng tỷ lẹ nguyên liệu tự chủ lên 65%. Nguồn lực sản xuất cũng tăng hơn 10%, gia tăng năng lực sản xuất với các dây chuyền sản xuất cá tẩm bột và gia vị ở Đồng Tháp.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, thị trường Mỹ giảm từ 62% xuống còn 58%; thị trường Trung Quốc từ top 7 lên top 3, đạt 6%. Thị trường EU vẫn đứng thứ 2, đạt 16%.
Về kế hoạch năm 2017, Vĩnh Hoàn kỳ vọng phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ nhà máy Vạn Đức Tiền Giang; đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh (cá chẽm, cá rô phi, các sản phẩm bột...).
Doanh thu hợp nhất năm 2017 dự kiến đạt 9.200 tỷ đồng, LNST 600 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 6% so với kết quả thực hiện năm trước. Đóng góp chính vào doanh thu là thủy sản, collagen, trong đó doanh số 15 triệu USD sản phẩm giá trị gia tăng.
Theo bà Vi Tâm, năm 2017 sẽ là một năm thách thức về chi phí nguyên liệu. Do đó, với chiến lược dài hạn, năm nay Vĩnh Hoàn hướng đến bảo vệ mức lợi nhuận tuyệt đối trên sản lượng sản phẩm.
Trong 3 năm tới, Vĩnh Hoàn lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu bình quân 15%/năm, ước doanh thu đạt 12.000 tỷ đồng và LN 1.000 tỷ đồng năm 2019.
Cổ tức 15 - 20% bằng tiền năm 2017
HĐQT trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức 15 - 20% bằng tiền cho năm 2017. Đồng thời, HĐQT cũng trình quỹ khen thưởng cho ban điều hành, cán bộ chủ chốt gồm 10 tỷ đồng nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2017; tỷ lệ khen thưởng 20% cho phần lợi nhuận vượt kế hoạch, nhưng không quá 20 tỷ đồng. Tỷ lệ và đối tượng chia thưởng do HĐQT quyết định.
Năm 2016, tỷ lệ cổ tức là 20% bằng tiền. Công ty đã thực hiện chi trả xong phần cổ tức này.
Bầu cử HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới
HĐQT cũng trình cổ đông số lượng thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021 với con số lần lượt là 5 người và 3 người.
Danh sách ứng viên ứng cử/đề cử thành viên HĐQT gồm:
Danh sách ứng viên ứng cử/đề cử thành viên Ban kiểm soát gồm: