|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHCĐ EVN Genco 3: Mục tiêu giảm tỉ lệ nợ/vốn chủ còn 3 lần, thoái vốn khỏi Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh

14:23 | 27/06/2019
Chia sẻ
Theo ban lãnh đạo EVN Genco 3, đa số các nhà máy của công ty hiện phải vay tiền, do đó tổng nợ vay trên vốn chủ tương đối cao, có lúc đạt gần 8 lần. EVN Genco 3 đang thực hiện các giải pháp nhằm cân đối tài chính, giảm hệ số nợ/vốn xuống mức 3 lần.

Áp lực nợ vay lớn

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Tổng công ty Phát điện 3 – CTCP (EVN Genco 3 – Mã: PGV) sáng 27/6, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2019 với sản lượng điện 32,57 triệu kWh, tăng gần 7% so với năm 2018.

Mục tiêu tổng doanh thu 42.250 tỉ đồng, tăng 12% so với 2018; lợi nhuận trước thuế dự kiến 409 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 519 tỉ đồng. Bên cạnh đó, EVN Genco 3 dự kiến chi 5.484 tỉ đồng để trả nợ vốn vay và đầu tư thuần hơn 1.186 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT EVN Genco 3 cho biết, đa số các nhà máy Genco 3 đang phải vay tiền, do đó tổng nợ vay trên vốn chủ tương đối cao, có lúc đạt gần 8 lần, hiện con số này đã giảm xuống 6 lần.

Công ty đang thực hiện nhiều biện pháp để cân đối tài chính, giảm hệ số Nợ/Vốn chủ xuống mức 3 lần. Đồng thời, EVN Genco 3 cũng lên lộ trình thoái vốn Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh.

Ban lãnh đạo cho biết, công ty còn nghiên cứu, hoàn thiện phương án tái cơ cấu bao gồm cổ phần hóa Nhiệt điện Mông Dương và các phương án phát hành tăng vốn điều lệ, giảm tỉ lệ sở hữu của Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) để đảm bảo sức khỏe tài chính.

genco23

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Genco 3 sáng 27/6. (ảnh: MA)

Nguồn cung than trong nước không đủ, Genco 3 chủ yếu nhập khẩu từ Nam Phi

Nhận định về giá điện trong thời gian tới, ban lãnh đạo EVN Genco 3 cho biết, giá điện bình quân thị trường năm 2019 sẽ không giảm. Riêng 5 tháng đầu năm gần như bằng và nhỉnh hơn 2018.

Các năm gần đây, cả nước không khởi công dự án điện lớn nào, còn theo quy hoạch, các dự án điện hiện nay không theo được tiến độ, trong khi nhu cầu điện tăng rất cao. Theo tính toán của EVN, nhu cầu điện dự báo tăng trên 10%. Như vậy, về nguồn điện trong thời gian tới, năm 2019 tạm ổn, nhưng từ năm 2020 trở đi, toàn bộ hệ thống điện miền Nam đã sử dụng hết dự phòng. Vì thế, câu chuyện ở đây không phải là điện giá cao hay không mà là có hay không.

Theo đó, nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện được nhận định sẽ tăng. Ông Đinh Quốc Lâm, Tổng giám đốc EVN Genco 3 cho biết, công ty dùng than chủ yếu ở hai nhà máy là Vĩnh Tân 2 (nhu cầu 3,8 triệu tấn/năm) và Mông Dương 1 (3-3,4 triệu tấn/năm).

Theo kế hoạch, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có thể cung cấp 60 triệu tấn cho cả nước, tuy nhiên Bộ Công thương chỉ phê duyệt còn khoảng 40 triệu tấn. Trong đó, lượng cung cấp này sẽ ưu tiên cho các tỉnh phía Bắc vì tập trung mạng lưới điện quốc gia. Còn phía nam theo đó sẽ phải nhập khẩu than cũng như dùng thêm than trộn.

Ông Lâm cho biết, nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của EVN Genco 3 có vị trí gần cảng Nam Trung Bộ do đó thuận lợi để nhập khẩu. Với nhu cầu 3,8 triệu tấn/năm thì hiện TKV chỉ cấp 2 triệu tấn than cho nhà máy, còn lại sẽ nhập khẩu. Đối với nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, TKV dự kiến cấp khoảng 3 triệu tấn than trong nước và phải nhập khẩu 400.000 tấn than trộn.

Hiện nay, nguồn than nhập lớn nhất của công ty đến từ Nam Phi, chất lượng được đánh giá là tốt. Ngoài ra, EVN Genco 3 cũng đã ký hợp đồng nhập khẩu dài hạn từ 2019 với sản lượng 1,8 triệu tấn.

Minh Anh