Dệt may Thành Công ước lãi tháng 8 giảm 43%, chưa đủ đơn hàng cho quý IV
Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) ước doanh thu tháng 8/2023 đạt 12,84 triệu USD (khoảng 309 tỷ đồng), giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế giảm 43% xuống còn 774.000 USD (gần 19 tỷ đồng).
Lũy kế 8 tháng năm 2023, doanh thu thuần của TCM ước đạt hơn 91,2 triệu USD (2.198 tỷ đồng) và lãi sau thuế trên 6 triệu USD (gần 145 tỷ đồng), giảm lần lượt 29% và 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, TCM đã thực hiện được 56% kế hoạch doanh thu và 59% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm sau 8 tháng.
Trong tháng 8, xuất khẩu của TCM sang thị trường châu Á chiếm hơn 70%, trong đó Hàn Quốc chiếm gần 27%, Nhật Bản 19%, Trung Quốc gần 13% và tiêu thụ nội địa hơn 9%. Tiếp đến là thị trường châu Mỹ với tỷ trọng 25%, trong khi châu Âu hơn 4%.
TCM cho biết do ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, lạm phát cao ở Mỹ và EU khiến người dùng thắt chặt chi tiêu và giảm tiêu dùng cho những mặt hàng không thiết yếu, trong đó có hàng dệt may. Điều này khiến tình hình xuất khẩu của các công ty ngành này của Việt Nam giảm sút. Tuy nhiên, công ty đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang châu Á và chú trọng phát triển thị trường nội địa đối với mảng vải - sợi, phần nào giúp công ty duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.
TCM cho biết công ty vẫn hoạt động chưa đạt tối đa công suất, thiếu đơn hàng cho quý IV. Theo dự báo những tháng cuối năm 2023, đơn hàng vẫn còn chậm do kinh tế thế giới chậm phục hồi. Tính đến hiện tại, TCM đã nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III và khoảng 83% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV.
Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, trong tháng 8, xuất khẩu dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7 và giảm gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu cả năm là 40 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu dệt may mới thực hiện được 65% mục tiêu đề ra cho năm 2023.
Bộ Công Thương đánh giá, mức giảm xuất khẩu dệt may của 8 tháng đầu năm đã chậm lại so với mức giảm gần 17% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo, nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 có khả năng giảm 8 - 10%, điều này sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024.
Tại cuộc họp chuyên đề tháng 8 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị (HĐQT) cho rằng lực cầu thấp của ngành may mặc có thể kéo dài sang năm 2024. Thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm.
Với thị trường Mỹ, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex kỳ vọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ 6 tháng cuối năm sẽ tăng 10% so với 6 tháng đầu năm, đưa kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc cả năm 2023 của thị trường này có thể đạt 80 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2022.
Với thị trường Nhật Bản, ông Vương Đức Anh cho rằng xuất khẩu dệt may sẽ tiếp đà tăng của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên có thể bị tác động giảm giá 5 - 7% so đồng Yen tiếp tục mất giá theo như dự báo của JP Morgan.
Tại chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2, số 27, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhận định 2023 là một năm đặc biệt với ngành dệt may theo hướng tiêu cực, doanh nghiệp phải “giật gấu vá vai” các đơn hàng trong suốt 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên đến thời điểm này, ngành dệt may đang chuyển dần chuyển sang trạng thái “giật gấu vá vai” sang “đủ ăn, đủ mặc".
Phiên giao dịch sáng 20/9, nhóm cổ phiếu xuất khẩu bao gồm dệt may cũng đã chứng kiến mức tăng giá tích cực.