|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đến 2020, Hà Nội hình thành các thành phần cơ bản của thành phố thông minh

14:55 | 08/12/2017
Chia sẻ
Hiệu quả dự kiến đạt được sau khi Hà Nội điều chỉnh, bổ sung Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 là hình thành các thành phần cơ bản của Thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), ứng dụng AI, IoT...
den 2020 ha noi hinh thanh cac thanh phan co ban cua thanh pho thong minh Hà Nội sắp xây dựng thành phố thông minh 4 tỷ USD
den 2020 ha noi hinh thanh cac thanh phan co ban cua thanh pho thong minh Hà Nội xây dựng thành phố thông minh
den 2020 ha noi hinh thanh cac thanh phan co ban cua thanh pho thong minh
Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã được bổ sung nhiệm vụ hình thành Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố và một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh như giao thông, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng, môi trường thông minh... (Ảnh minh họa).

Bổ sung hơn 1.700 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu về ứng dụng CNTT

Nghị quyết về việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 vừa được HĐND Thành phố chính thức thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai trong giai đoạn 2016 - 2017, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu và nội dung của Chương trình mục tiêu phù hợp với thực tế là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả khi triển khai Chương trình trong thời gian tiếp theo.

Cụ thể, HĐND Thành phố đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp của Chương trình mục tiêu, từ “50% thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4” thành “100% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”.

Cùng với đó, nhiệm vụ ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ được điều chỉnh từ “Duy trì các ứng dụng cơ bản: thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành tác nghiệp, chuyển nhận văn bản điện tử, tích hợp ứng dụng chữ ký số” thành “Duy trì các ứng dụng cơ bản: thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp trên toàn địa bàn Thành phố và kết nối với Văn phòng Chính phủ, tích hợp ứng dụng chữ ký số;”.

Điều chỉnh nhiệm vụ ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ “Duy trì, mở rộng các Trang/Cổng thông tin điện tử (TTĐT) các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công thành phố và kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia theo qui định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng TTĐT Chính phủ trước ngày 1/3/2016” thành “Duy trì, mở rộng các Trang/Cổng TTĐT các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công thành phố và kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia theo qui định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng TTĐT Chính phủ”.

Nhiệm vụ “Kết nối ứng dụng một cửa điện tử với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông giữa các cấp” được điều chỉnh thành “Hoàn thiện, triển khai hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành”.

Nghị quyết của HĐND Thành phố cũng bổ sung vào Chương trình nhiệm vụ: phê duyệt khung kiến trúc Chính phủ điện tử và triển khai xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử chi tiết sau khi khung kiến trúc được phê duyệt; triển khai Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội; xây dựng Thành phố thông minh: hình thành Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố và một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh (giao thông, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng, môi trường thông minh...).

Cũng theo Nghị quyết mới được HĐND Thành phố phê duyệt, Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 được bổ sung giải pháp chủ yếu thực hiện chương trình, tại nội dung về cơ chế chính sách, đó là: tiếp tục hỗ trợ cơ chế, chính sách đặc thù cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn về công nghệ thông tin, tại các cơ quan nhà nước và ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao của Thành phố.

Đáng chú ý, HĐND TP Hà Nội đã quyết định điều chỉnh, bổ sung kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu. Theo đó, tổng mức kinh phí sau khi điều chỉnh, bổ sung của Chương trình là 3.000 tỷ đồng, cao hơn mức cũ hơn 1.700 tỷ đồng.

Hà Nội sẽ sớm hình thành nền tảng của Chính phủ điện tử

Tại cuộc họp HĐND Thành phố về việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú đã cho biết về những hiệu quả dự kiến đạt được sau khi Chương trình được điều chỉnh, bổ sung.

Theo đó, ngoài việc nội dung Chương trình mục tiêu đảm bảo phù hợp với các định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước từ nay đến năm 2020, việc điều chỉnh cũng sẽ giúp cho việc xây dựng các kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước hàng năm đảm bảo thống nhất, phù hợp những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình.

Bên cạnh đó, sớm hoàn thành nền tảng của Chính phủ điện tử giúp bộ máy chính quyền Thành phố hiện đại, hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn, cải thiện mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ được chính quyền Thành phố cung cấp.Thiết lập hệ thống hạ tầng CNTT đồng bộ, thống nhất trên một nền tảng kỹ thuật dùng chung; hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn thành phố có liên thông với các bộ, ngành Trung ương.

Đồng thời, đảm bảo các giao dịch giữa các cơ quan của Thành phố và giữa Thành phố với công dân được thực hiện qua mạng, rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC, góp phần tinh giản biên chế, giảm chi phí cho hoạt đọng của bộ máy chính quyền và xã hội, tăng cường tính công khai, hạn chế tham nhũng; tạo ra phong cách lãnh đạo, phương thức làm việc mới của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước của Thành phố; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội.

Đặc biệt, bà Tú cũng cho biết, việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu sẽ giúp hình thành các thành phần cơ bản của Thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), IoT (Internet kết nối vạn vật), phân tích và xử lý dữ liệu hỗ trợ lãnh đạo các cấp ra quyết định kịp thời, chính xác; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý trong một số lĩnh vực như: giao thông, du lịch, an ninh trật tự, môi trường... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lợi ích tốt hơn cho người dân, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; đưa Hà Nội thành Trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

Vân Anh