|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn 'chưa thuyết phục'

14:04 | 31/01/2024
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất "xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ngay cả khi chưa gây hậu quả" khó đảm bảo cơ sở pháp lý và không khả thi.

Tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức ngày 29/1, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh đề xuất xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng (vượt mức 3) dù chưa gây hậu quả.

Theo ông Minh, pháp luật hiện hành quy định tài xế có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4 mg/lít khí thở hoặc quá 80 mg/100 ml máu) dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, đó là phạt tương xứng mức độ vi phạm.

Do vậy, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị cần quy định mức độ nào là "đặc biệt nghiêm trọng" khiến tài xế mất kiểm soát hoàn toàn và bị xử lý theo khoản 4, điều 260 Bộ luật Hình sự.

Theo Bộ luật này, vi phạm giao thông có khả năng dẫn đến hậu quả như làm 3 người chết trở lên, gây thiệt hại tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên... nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể bị phạt tù đến một năm.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. (Ảnh: Media Quốc hội).

Trả lời VnExpress, thiếu tướng Trần Đức Thuận, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho hay đề xuất trên đã được tính đến khi các cơ quan xây dựng pháp luật hình sự. Bộ luật Hình sự đã bổ sung điều khoản tăng nặng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn gây tai nạn.

Tuy nhiên, trong thực tế cơ quan chức năng vẫn phải dựa vào mức độ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản để xem xét yếu tố cấu thành tội phạm, làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. "Nếu muốn xử phạt hình sự, cần đánh giá đầy đủ xem đây có phải một tội mới cần được quy định khi sửa đổi Bộ luật Hình sự. Còn chưa gây hậu quả mà xử phạt hình sự thì tôi chưa đồng tình", thiếu tướng Thuận nêu quan điểm.

Ông đề nghị khi xem xét đề xuất này, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ, đánh giá tổng thể thực trạng vi phạm pháp luật an toàn giao thông, nhất là nồng độ cồn, xem đây có phải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn. Trong quá trình sửa đổi luật, các cơ quan có thể tính đến việc tăng nặng mức độ xử phạt hành chính trước.

Về việc học tập luật pháp quốc tế xử lý vi phạm nồng độ cồn, ông Thuận cho rằng "không phải mô hình tiên tiến nào cũng áp dụng được vào Việt Nam, vì người Việt có đặc thù văn hóa, phong tục, thói quen riêng". Vấn đề vi phạm nồng độ cồn khi lái xe chủ yếu xuất phát từ nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân. "Việc áp dụng các biện pháp như hiện nay đã đủ sức răn đe và đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, để loại bỏ hoàn toàn vi phạm là rất khó, chỉ có thể giảm xuống một mức rất thấp, nhưng cần thêm thời gian", ông nói.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cũng cho rằng hiện nay chưa có cơ sở khoa học vững chắc khẳng định một mức nồng độ cồn cụ thể có thể khiến người điều khiển xe gây tai nạn. Trong khi đó, luật hóa nội dung này phải dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng để đảm bảo khả thi.

Pháp luật hiện hành quy định tương đối chặt chẽ về xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn cả về hành chính và hình sự. Đa phần lái xe bị xử lý hình sự đều gây ra hậu quả và có đủ căn cứ xác minh tội danh theo quy định. "Nhận thức của lái xe giờ đây đã tốt hơn nhiều. Liên hoan, tiệc tùng không rượu bia cũng không còn xa lạ khi công an liên tục ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn", ông Liên nói.

Cảnh sát giao thông Hà Nội tại chốt kiểm tra nồng độ cồn trên đường Tố Hữu, tháng 11/2023. (Ảnh: Ngọc Thành).

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP HCM, nói việc áp dụng khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự về "khả năng thực tế gây ra hậu quả" trong thực tế là rất khó.

Pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn về "khả năng thực tế gây ra hậu quả". Khi chứng minh tội phạm theo khoản này, cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải chứng minh ba vấn đề. Đó là có vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông; khả năng gây ra hậu quả cùng mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và khả năng thực tế gây ra hậu quả, tính có lỗi của chủ thể thực hiện hành vi.

"Rất khó chứng minh khả năng gây ra hậu quả bởi thiên về định tính, như thế nào, trong hoàn cảnh, trường hợp nào có khả năng gây ra các hậu quả này", luật sư Trạch nói.

Ông cho rằng ngay cả khi có bộ tiêu chí để xác định, nhưng muốn áp dụng để xử lý hình sự thì sẽ phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng - những người không trực tiếp ở trong hoàn cảnh đó và rất khó tránh khỏi đánh giá mang tính chủ quan.

"Bản thân khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự vốn khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Do vậy, nếu muốn phân hóa trường hợp vi phạm nồng độ cồn kịch khung để chuyển sang xử lý hình sự, tôi cho là chưa thuyết phục", ông Trạch nói.

Hồi tháng 11/2023, quy định xử phạt tài xế có nồng độ cồn gây tranh luận khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nhiều đại biểu cho rằng cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp và nên thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết một số ý kiến trong Ủy ban cũng đề nghị cân nhắc việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe vì "quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam". Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Dự kiến dự luật được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

 

Sơn Hà - Quốc Thắng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.