|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề xuất xem xét lại việc cấm phân lô, bán nền tại một số địa phương

22:20 | 08/05/2020
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia tại TP HCM đề nghị cần xem xét lại nội dung không cho một số địa phương, trong đó có TP HCM được phân lô, bán nền.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. 

Nhiều chuyên gia tại TP. HCM đề nghị cần xem xét lại nội dung không cho một số địa phương, trong đó có TP. HCM được phân lô, bán nền.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết: Nghị định 43/2014 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) giao cho UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện dự án phân lô, bán nền phù hợp với quy hoạch và thực tiễn của địa phương, kể cả tại các khu vực ngoài địa bàn các quận nội thành của các đô thị đặc biệt như: Hà Nội, TP. HCM.

Đề xuất xem xét lại việc cấm phân lô, bán nền tại một số địa phương - Ảnh 1.

Việc phân lô, bán nền cần được xem xét theo hướng phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo thì lại mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện các dự án phân lô bán nền ra thành các khu vực không nằm trong địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh. 

Nếu dự thảo này được thông qua, thì Hà Nội, TP. HCM và nhiều tỉnh thành, như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… sẽ không được thực hiện dự án phân lô, bán nền.

Theo ông Châu, cần quan tâm đến nhu cầu phân lô, bán nền tại một số khu vực của các địa phương, trong đó có TP. HCM vì đây là nhu cầu chính đáng. Điều quan trọng nằm ở việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả.

“Hiệp hội đã báo cáo, đề xuất với lãnh đạo thành phố có cơ chế phối hợp, quản lý kiểm soát việc tách thửa, phân lô theo Quyết định 60 của UBND TP. HCM và cũng kiểm soát tình trạng phân lô đất nền tự phát do giới đầu nậu, cò đất”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Tiến sỹ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Công ty Savills Việt Nam cho rằng, việc quyết định có cấm hay không còn phải xem xét các điều kiện liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực đó. 

Ví dụ như, ở TP. HCM, khu vực diễn ra hoạt động phân lô, bán nền sôi động không diễn ra ở trung tâm mà thường là vùng ven như: Bình Chánh, Hóc Môn… 

Nếu cơ sở hạ tầng ở đó không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hay mật độ dân số thì việc cấm là hợp lý, còn những nơi mà hạ tầng đáp ứng được thì cần phải xem xét lại, bởi nhu cầu của người dân là có thật.

Theo ông Khương, nếu việc phân lô, bán nền của người dân vẫn phù hợp với quy hoạch, thì việc cấm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Từ đó, việc cấm đoán rất có nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội.

“Người dân để đạt được mục tiêu thì sẽ có thể sử dụng hình thức mua bán bằng giấy tay, hoặc lập vi bằng… thì sẽ nảy sinh ra nhiều tranh chấp trong xã hội ở tương lai. Việc tranh chấp về mặt dân sự như vậy đã xảy ra rất nhiều. 

Đây là cái mà chúng ta phải nhìn thấy ở cấp độ xã hội”, ông Sử Ngọc Khương cho hay.

Theo các chuyên gia, việc phân lô, bán nền nếu được kiểm soát tốt, tuân thủ theo quy hoạch bài bản còn tạo ra nguồn thu cho ngân sách, giúp cải tạo bộ mặt đô thị khu vực đó thêm khang trang. 

Do đó, những chính sách liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân nên được cân nhắc kỹ để khi ban hành có thể đi vào cuộc sống, không gây ách tắc xã hội.

Duy Phương

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.