Đề xuất xây cầu gần 9.200 tỷ đồng vượt sông Hậu kết nối Cần Thơ với Đồng Tháp
UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đề nghị xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu kết nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp với tổng vốn hơn gần 9.200 tỷ đồng.
Cụ thể, theo tờ trình do Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè ký ngày 20/2, UBND thành phố đề xuất dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ – Dự án 2 (Đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp).
Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án hơn 9.187 tỷ đồng (tương đương hơn 374 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản 7.276 tỷ đồng, vốn từ ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác 1.911 tỷ đồng.
Cầu Ô Môn nằm trong tổng thể tuyến liên vùng kết nối Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang, bắt đầu từ nút giao Quốc lộ 54 tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, vượt sông Hậu sang phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, giao với đường tỉnh 920. Tổng chiều dài dự án 5,4 km.
Phương án kiến nghị là cầu dây văng dầm thép liên hợp với khẩu độ nhịp chính 450m; quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, một dải phân cách giữa…, tổng bề rộng mặt cầu 26,5m. Tốc độ thiết kế 80km/giờ; tĩnh không thông thuyền tương đương với cầu Vàm Cống, chiều rộng thông thuyền 300m, cao 30m, riêng trong phạm vi 110m giữa khổ thông thuyền có chiều cao 37,5m.
Thời gian thực hiện từ năm 2023- 2030; trong đó, từ năm 2023- 2026 là lập, trình, phê duyệt dự án, bồi thường hỗ trợ tái định cư, thẩm định, lựa chọn nhà thầu…; khởi công xây dựng công trình năm 2027 và hoàn thành năm 2030.
Theo UBND TP Cần Thơ, hiện trạng khu vực dự án kết nối qua sông Hậu có cầu Cần Thơ trên tuyến Quốc lộ 1 và cầu Vàm Cống trên tuyến Cao Lãnh – Rạch Sỏi, khoảng cách giữa hai cầu 50 km là chưa đảm bảo thuận lợi cho kết nối giữa các tỉnh trong khu vực, thời gian di chuyển của phương tiện giao thông kéo dài, làm tăng lượng khí thải nhà kính gây ra sự nóng lên toàn cầu từ đó làm biến đổi khí hậu.
Với khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu trong tương lai, dự án cầu Ô Môn sẽ tạo ra một tuyến đường vận chuyển tốt và an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường cho khu vực dân cư có tuyến đi qua, đặc biệt là giảm tải cho Quốc lộ 1. Khi dự án hình thành kỳ vọng đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển với bảo vệ môi trường, mang lại nhiều hiệu quả và tác động tốt đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Cùng với dự án đầu tư xây dựng cầu Ô Môn, TP Cần Thơ cũng đề xuất dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ – Dự án 1 (Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn đi qua địa phận thành phố Cần Thơ và Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 6.433 tỷ đồng, gồm: vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản 4.378 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác 2.055 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2023- 2028.
Dự án bao gồm hai hợp phần; trong đó, hợp phần 1 là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ dài 10,2 km, vốn 1.683 tỷ đồng; hợp phần 2 là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ với chiều dài 25,5 km, vốn 4.750 tỷ đồng.
Theo UBND TP Cần Thơ, sự cần thiết đầu tư hai dự án trên là nhằm hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng với nhau, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng.
Đối với dự án Quốc lộ 61C, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, tăng chuỗi giá trị, tạo động lực hơn nữa phát triển kinh tế xã hội giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, kết nối giao thông với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và đi TP HCM
Trong khi đó, việc xây dựng cầu Ô Môn cùng với tuyến đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai (Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và tuyến nối cầu Ô Môn với Sa Đéc (Đồng Tháp) sẽ hình thành một tuyến đường trục kết nối liên vùng đảm bảo phù hợp với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung ương, vùng, tỉnh… Dự án sẽ tạo tiền đề thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM với các tỉnh miền Tây…
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/