|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới

22:32 | 24/09/2018
Chia sẻ
Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định như doanh nghiệp nội, theo đề xuất mới. 

Bộ Thông tin & Truyền thông đang lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06, trong đó nhấn mạnh vào mục đích quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực phát thanh truyền hình.

Trong đề xuất sửa đổi, cơ quan soạn thảo làm rõ và bổ sung thêm một số nội dung đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet, bao gồm cả các dịch vụ cung ứng thông qua tên miền, các địa chỉ và ứng dụng Internet.

Dự thảo cũng nêu rõ các doanh nghiệp nước ngoài đang khi cung cấp dịch vụ qua mạng Internet xuyên biên giới vào Việt Nam (như Netflix, Spotify...) khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật như các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước.

Trong dự thảo mới, cơ quan soạn thảo cũng đưa ra những quy định cụ thể về việc khai thác quảng cáo của kênh chương trình nước ngoài. Cụ thể, Bộ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định đối với các kênh không thu phí bản quyền tại Việt Nam được cài đặt quảng cáo. Trong khi đó, các kênh có thu phí bản quyền nội dung tại Việt Nam thì không được cài đặt quảng cáo dưới mọi hình thức.

de xuat quan ly dich vu truyen hinh xuyen bien gioi
Nhiều kênh chương trình nước ngoài đang đang được phát sóng tại Việt Nam. Ảnh: VTV

Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, Nghị định 06 quy định về quảng cáo, cài đặt quảng cáo trên kênh truyền hình nước ngoài, tức là tất cả kênh nước ngoài đều có thể cài đặt quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các kênh nước ngoài cung cấp tại Việt Nam được chia thành 2 loại gồm có thu phí bản quyền nội dung và không thu phí bản quyền. Việc đưa ra quy định mới theo cơ quan soạn thảo nhằm đảm bảo tính công bằng đối với các kênh chương trình sản xuất trong nước, tạo cơ hội cho kênh trong nước phát triển.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại cuộc họp bàn cách tháo gỡ những khó khăn trong quản lý truyền hình giữa Bộ Thông tin & Truyền thông và Đài truyền hình Việt Nam (VTV), một trong những vấn đề được nhà đài kiến nghị là cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu khung pháp lý để tạo sự bình đẳng trong kinh doanh dịch vụ giữa các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nước ngoài như NetFlix và iFlix và tới đây có thể có thêm sự gia nhập của Facebook. Gần đây, phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin Facebook đã đạt thoả thuận phát sóng trực tiếp Premier League (EPL) trên nền tảng mạng xã hội của mình tại châu Á, bao gồm cả Việt Nam, Thái Lan.

Theo ông Nguyễn Thành Lương, Phó tổng giám đốc VTV, hiện các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước phải thực hiện nhiều nghĩa vụ liên quan khi cung cấp dịch vụ như: nộp hồ sơ xin cấp phép và phải qua quá trình thẩm định hồ sơ từ Bộ, thực hiện biên tập, biên dịch, kiểm duyệt nội dung phát sóng... Đồng thời, các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước phải tuân thủ quy định về phát sóng kênh thiết yếu, đảm bảo tỷ lệ kênh trong nước và kênh nước ngoài, nộp thuế, nộp phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

“Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp nội dung từ nước ngoài vào Việt Nam như Netflix, iFlix không bị điều chỉnh bởi các quy định trên. Điều này tạo sự bất bình đẳng, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều bất lợi so với những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới”, ông Lương nói. Do đó, theo ông, rất cần có khuôn khổ pháp lý bình đẳng điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cung cấp vào Việt Nam.

Theo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, hiện Việt Nam có 34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền. Trong số này, có 16 trên 34 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên mạng Internet (OTT), chiếm tỷ lệ 47% . Có 14,3 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.

Số lượng kênh chương trình truyền hình trong nước là 194 kênh. Số kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập để cung cấp trên dịch vụ phát thanh truyền hình là 69 kênh. Số lượng đại lý kênh truyền hình nước ngoài là 11 đơn vị, tăng 83% so với trước khi có Nghị định 06. Doanh thu thị trường truyền hình trả tiền năm 2016 là 7.500 tỷ, năm 2017 là 7.800 tỷ và đến quý II/2018 khoảng 3.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có 78 mạng xã hội đang cung cấp các chương trình truyền hình dạng thức đăng ký thuê bao có thu phí người sử dụng.

"Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xem phim, trò chơi truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet xuyên biên giới đang mở rộng thị trường, hướng tới các đối tượng tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp đối với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền trong nước", ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử nhận định.

Đà tăng của USD, chứng khoán Mỹ và bitcoin nhờ chiến thắng của ông Trump kéo dài bao lâu?
Theo Bloomberg, để duy trì đà tăng giá của thị trường chứng khoán, các chính sách của ông Trump cần giúp thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, những chính sách này cũng có thể gây áp lực lạm phát và kéo thị trường đi xuống.