|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất phương án đầu tư 7.609 tỉ đồng xây cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

09:42 | 21/06/2020
Chia sẻ
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa đưa ra phương án đầu tư Dự án BOT đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo đề xuất của Bộ GTVT...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ông Hồ Tiến Thiệu vừa ký công văn số 663/UBND – KT gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư để bổ sung hoàn thiện phương án đầu tư Dự án thành phần 2 – xây dựng đoạn tuyến cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, thuộc Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư nền đường, công trình trên tuyến theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22m; mặt đường phân kỳ đầu tư thành 2 đoạn.

Đề xuất phương án đầu tư 7.609 tỉ đồng xây cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng - Ảnh 1.

Đoạn đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43,6 km là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Trong đó, đoạn từ Km44+750 (Chi Lăng) - Km17+420 (nút giao với Quốc lộ 4B thuộc thành phố Lạng Sơn), dài 27,3km, quy mô xây dựng 4 làn xe, bề rộng mặt đường 16 m; đoạn từ Km17+420 (thành phố Lạng Sơn) - Km1+800 (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị), dài 15,7km, quy mô xây dựng 2 làn xe, bề rộng mặt đường 12,5m.

Với phương án phân kỳ như trên, tổng mức đầu tư Dự án còn khoảng 7.609 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BOT là 1.609 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại là 2.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.000 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 3.000 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án dự kiến khoảng 19 năm 5 tháng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, với phương án đầu tư như trên đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển đường cao tốc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thuận lợi, tiết kiệm chi phí và an toàn trong quá trình khai thác khi thực hiện đầu tư hoàn chỉnh mặt đường, làn dừng xe khẩn cấp ở giai đoạn sau.

Để đảm bảo phương án tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ cho Dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng.

Đoạn đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43,6 km là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Theo chủ trương đầu tư ban đầu, đoạn tuyến này sẽ do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Nhưng do lo ngại nguy cơ làm gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về UBND tỉnh Lạng Sơn từ tháng 5/2018.

Sau khi được Thủ tướng giao thay thế Bộ GTVT trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cùng nhà đầu tư và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tính toán, phân tích, xác định tổng nguồn vốn tham gia thực hiện đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. 

Theo đó, Dự án thành phần 2 cần khoảng 8.310 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia là 1.750 tỷ đồng, vốn vay thương mại là 3.400 tỷ đồng, ngân sách nhà nước tham gia 3.160 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, việc huy động vốn cho Dự án thành phần 2 khó khăn. Hiện mới chỉ có Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cam kết góp 1.750 tỷ đồng và Ngân hàng BIDV cam kết cho Dự án vay 2.000 tỷ đồng. Đối với phần vốn vay thương mại, còn thiếu khoảng 1.400 tỷ đồng chưa xác định được đơn vị tài trợ.

Tại Dự án thành phần 2, tính đến cuối tháng 6/2020, mới chỉ có nhà đầu tư góp được 424 tỷ đồng và đã giải ngân cho giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án… tổng cộng 290 tỷ đồng.

Với tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng sau 3 năm triển khai, Dự án thành phần 2 mới chỉ hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng, trích lục kiểm đếm đạt 100% khối lượng và đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư được 8,5/43,6 km (đạt 20%). Hiện Dự án phải tạm dừng công tác giải phóng mặt bằng do chưa thu xếp được nguồn vốn.

Linh Nga