|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đề xuất lập ba tuyến bảo vệ tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng

14:47 | 07/02/2023
Chia sẻ
Theo NHNN, mô hình ba tuyến bảo vệ độc lập được thiết kế nhằm mục tiêu tăng cường sự liên kết và tương tác giữa các bộ phận tham gia vào hoạt động và quản trị điều hành của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong quản trị rủi ro, hướng tới phát triển bền vững.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nhằm thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ tại tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong đó, theo yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát nội bộ tại Điều 4, Dự thảo Thông tư bổ sung quy định hệ thống kiểm soát nội bộ phải có ba tuyến bảo vệ độc lập.

Tuyến bảo vệ thứ nhất có chức năng nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro do các bộ phận kinh doanh, bộ phận có chức năng tạo ra doanh thu khác, bộ phận có chức năng thực hiện các quyết định có rủi ro; bộ phận có chức năng phân bổ hạn mức rủi ro, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu rủi ro (thuộc bộ phận kinh doanh hoặc bộ phận độc lập) đối với từng loại hình giao dịch, hoạt động kinh doanh; bộ phận nhân sự, bộ phận kế toán thực hiện.

Tuyến bảo vệ thứ hai có chức năng xây dựng chính sách quản lý rủi ro, quy định nội bộ về quản trị rủi ro, đo lường, theo dõi rủi ro và tuân thủ quy định pháp luật do các bộ phận tuân thủ, quản lý rủi ro thực hiện.

Tuyến bảo vệ thứ ba có chức năng kiểm toán nội bộ do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng và Thông tư này.

Theo NHNN, mô hình ba tuyến bảo vệ độc lập được thiết kế nhằm mục tiêu tăng cường sự liên kết và tương tác giữa các bộ phận tham gia vào hoạt động và quản trị điều hành của TCTD phi ngân hàng trong quản trị rủi ro, qua đó góp phần giúp các TCTD phi ngân hàng phát triển bền vững.

Trong mô hình này, vai trò của các cấp lãnh đạo khác nhau trong một tổ chức được xác định rõ ràng, bao gồm cả sự giám sát của Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên đối với Tổng giám đốc, Tổng giám đốc với các bộ phận với các hoạt động bao gồm rủi ro và tuân thủ (vai trò tuyến đầu và tuyến thứ hai); và đảm bảo giám sát độc lập thông qua kiểm toán nội bộ (vai trò tuyến thứ ba).

Báo cáo đánh giá thực hiện Thông tư 44 cũng cho thấy theo đánh giá của đa số các TCTD phi ngân hàng, việc thiết lập và triển khai mô hình ba tuyến bảo vệ là tất yếu, cần được quan tâm đặc biệt và phải được coi là một trong các công việc trọng điểm của TCTD. Đa số các TCTD phi ngân hàng đã thiết lập và triển khai mô hình ba tuyến bảo vệ.

Thực tế thống kê cho thấy công ty tài chính cộng đồng chưa triển khai mô hình này. Do vậy, việc ban hành quy định chung về mô hình ba tuyến bảo vệ là cần thiết để các TCTD phi ngân hàng có cơ sở thực hiện thống nhất. 

 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Nguồn: NHNN)

Ngoài ra, Điều 4 cũng quy định hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải đảm bảo kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ được thực hiện hiệu quả, đạt được yêu cầu đề ra.

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải có quy định nội bộ theo quy định tại Điều 93 Luật các tổ chức tín dụng, trong đó phải đảm bảo được đánh giá định kỳ tối thiểu hàng năm về tính thích hợp, tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo NHNN, hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng phi ngân hàng được xây dựng phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.

Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan và được tổ chức thực hiện nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ.

Thực tế cho thấy mặc dù hoạt động của các TCTD phi ngân hàng đơn giản hơn so với các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài như không nhận tiền gửi của cá nhân, chỉ nhận tiền gửi của tổ chức và không được cung ứng các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán như NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; song các hoạt động này vẫn tiềm ẩn các rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Do vậy, việc thiết lập hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel có thể xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của TCTD phi ngân hàng.

Huyen Vi