|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề xuất đầu tư Khu công nghệ cao Techno Park sát cạnh sân bay Long Thành

09:40 | 11/05/2020
Chia sẻ
Dự án Khu công nghệ cao Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc dự kiến được đầu tư xây dựng tại Long Thành, Đồng Nai và có thể thu hút khoảng 2-3 tỉ USD vốn đầu tư sau 6 năm đi vào hoạt động.
Đề xuất đầu tư Khu công nghệ cao Techno Park sát cạnh sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Dự án Khu công nghệ cao Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc có vốn đầu tư đăng ký 150 triệu USD, diện tích đất sử dụng khoảng 300 ha.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Lê Hoài Quốc, đại diện Công ty cổ phần liên doanh Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, doanh nghiệp này đã đề xuất với chính quyền tỉnh Đồng Nai việc đầu tư, xây dựng Dự án Khu công nghệ cao Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc (VKTP). Dự án có vốn đầu tư đăng ký 150 triệu USD, diện tích đất sử dụng khoảng 300 ha, gần Sân bay quốc tế Long Thành và không xa cảng sông, cảng biển để thuận tiện cho quá trình vận chuyển, cung ứng và xuất, nhập khẩu hàng hóa.

“Khu Techno Park đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình đổi mới sáng tạo đi từ nghiên cứu - phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao đến khởi nghiệp tạo ra sản phẩm công nghệ cao cạnh tranh toàn cầu. 

Đồng thời, đây là khu sản xuất những sản phẩm công nghệ cao đạt chuẩn quốc tế, đem lại giá trị gia tăng cao”, ông Quốc thông tin.

Theo ông Quốc, cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, mô hình Techno Park đã ra đời tại Hàn Quốc nhằm hỗ trợ hiệu quả cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp từ phát triển công nghệ mới. 

Từ thành công của 6 Techno Park đầu tiên, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục nhân rộng số lượng, đến nay đã tăng lên gấp ba lần, rải đều ở các thành phố và đô thị trung tâm.

Mô hình này đem lại 2 chức năng nổi bật cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đó là trở thành một tổ chức độc lập trung gian để kết nối các bên liên quan trong mối quan hệ cộng sinh giữa trường đại học, nhà sản xuất và Chính phủ; thực hiện dịch vụ tư vấn, hỗ trợ một cửa cho doanh nghiệp. 

Thông qua đó, doanh nghiệp được nhanh chóng tư vấn hoặc hỗ trợ mọi điều kiện cần thiết, từ hệ thống hạ tầng, trang thiết bị máy móc phục vụ R&D, hỗ trợ đào tạo kiến thức kinh doanh, makerting… cho tới các cơ chế, chính sách quy định của Nhà nước, đặc biệt là các gói hỗ trợ của Chính phủ mà doanh nghiệp cần biết.

Đại diện VKTP cho biết, khu Techno Park đầu tiên tại Việt Nam sẽ được đầu tư các khu chức năng như: trung tâm R&D với các phòng thí nghiệm và kiểm định dùng chung; trung tâm đào tạo nhân lực; trung tâm đổi mới sáng tạo và ươm tạo công nghệ cao; khu sản xuất sản phẩm công nghệ cao; các khu dịch vụ và giải trí phục vụ cho cộng đồng hoạt động trong nội khu… 

Dự án sẽ có 3 giai đoạn, tỷ lệ xây dựng là 60%, dự kiến thu hút từ 2-3 tỷ USD trong khoảng 6-9 năm đi vào hoạt động, giá trị sản xuất/xuất khẩu lũy kế sau 10 năm dự kiến trên 20 tỷ USD…

Một trong những mục tiêu của Dự án là xây dựng trung tâm ươm tạo công nghệ cao, giúp hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến của nước ngoài

Về xúc tiến đầu tư, Dự án sẽ thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc và quốc tế, cũng như doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào 4 lĩnh vực công nghệ định hình của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bao gồm: lĩnh vực mở rộng công nghệ số (công nghệ điện toán mới, vi mạch, bán dẫn và MEMS, blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán…); lĩnh vực cải tạo thế giới vật chất (trí tuệ nhân tạo và robot, vật liệu tiên tiến, công nghệ sản xuất đắp dần và in ấn đa chiều; thiết bị bay không người lái); lĩnh vực khoa học sự sống và thay đổi con người (công nghệ sinh học, công nghệ thần kinh); lĩnh vực tích hợp môi trường (thu hút, lưu trữ và chuyển đổi năng lượng, can thiệp khí hậu, công nghệ không gian)…

“Khu công nghệ cao Techno Park đầu tiên tại Việt Nam hướng tới đạt trình độ phát triển tương đương các khu Techno Park hàng đầu của Hàn Quốc”, đại diện VKTP nói về mục tiêu của Dự án.

Được biết, liên doanh Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc được thành lập bởi sự góp vốn của Hội Tự động hóa TP.HCM, Hội Khoa học công nghiệp robot Việt Nam và đối tác phía Hàn Quốc là Hiệp hội Robot Hàn Quốc.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, Dự án phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. 

Một trong những mục tiêu của Dự án là xây dựng trung tâm ươm tạo công nghệ cao, giúp hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến của nước ngoài cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Mới đây, UBND huyện Long Thành đã có văn bản báo cáo kết quả rà soát vị trí đề xuất Dự án Khu công nghệ cao Techno Park. 

Theo đó, diện tích dành cho Dự án khoảng 280 ha, cách Cảng hàng không quốc tế Long Thành khoảng 5 km, trong khu vực được định hướng phát triển quy hoạch mới khu công nghiệp tập trung… 

Ngành chức năng đang tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền bổ sung Dự án vào quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Hồng Sơn

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.