|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề xuất đầu tư Dự án Xây dựng chính sách NƠXH giai đoạn 2021-2030 với kinh phí 75 tỷ

15:47 | 31/07/2018
Chia sẻ
Dự án Xây dựng chính sách tổng thể NƠXH tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030 có hạn mức vốn là 75,35 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA không hoàn lại là 68,5 tỷ đồng do Hàn Quốc viện trợ thông qua KOICA; vốn đối ứng 6,85 tỷ đồng do Bộ Xây dựng tự bố trí từ ngân sách hàng năm.
bo khdt de xuat dau tu du an xay dung chinh sach noxh giai doan 2021 2030 voi kinh phi hon 75 ty dong Doanh nghiệp kêu dễ 'chết' vì xây nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng lên tiếng

Mới đây, Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội (NƠXH) tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Dự án) do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

bo khdt de xuat dau tu du an xay dung chinh sach noxh giai doan 2021 2030 voi kinh phi hon 75 ty dong
Dự án Xây dựng chính sách tổng thể NƠXH tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 có hạn mức vốn 75,35 tỷ đồng, trong đó vốn ODA do Hàn viện trợ chiếm đến 68,5 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Theo đó, mục tiêu của Dự án là nâng cao quyền được có nhà ở của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp thông qua cải thiện chính sách NƠXH. Thời gian thực hiện Dự án là 3 năm tính từ khi hoàn tất các thủ tục để triển khai.

Hạn mức vốn dành cho Dự án là 75,35 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA không hoàn lại là 68,5 tỷ đồng do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ thông qua KOICA; vốn đối ứng 6,85 tỷ đồng do Bộ Xây dựng tự bố trí từ ngân sách hàng năm. Nguồn vốn ODA sẽ do ngân sách cấp phát.

Trong báo cáo, KH&ĐT đã tóm tắt ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và giải trình của Bộ Xây dựng. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý bổ sung phạm vi địa lý về đánh giá thực trạng và nhu cầu NƠ XH ra các địa phương ngoài Hà Nội và TP HCM; làm rõ đối tượng thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp cùng các cơ quan liên quan có thể trao đổi, chia sẻ kết quả…

Còn Bộ Tài chính đánh giá, vốn đối ứng chiếm tỷ trọng tương đối lớn, vì vậy xem xét khả năng sử dụng vốn viện trợ để mua sắm thiết bị, thuê văn phòng và làm rõ khả năng bố trí của Bộ Xây dựng…

Đáp lại, Bộ Xây dựng giải trình về vốn đối ứng, theo Biên bản trao đổi giữa Bộ Xây dựng và KOICA, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chi trả một số hạng mục, trong đó có chi trả thuế, phí. Bộ Xây dựng đảm bảo cân đối được từ ngân sách được giao và cơ sở vật chất, nhân lực sẵn có. Phía Hàn Quốc sẽ sử dụng vốn viện trợ để mua sắm trang thiết bị cho đơn vị được lựa chọn thực hiện Dự án.

Về đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ đối tượng đào tạo, phạm vi địa lý, đối tượng thụ hưởng, cơ quan tham gia trao đổi, chia sẻ kết quả Dự án, những nội dung này đã được thể hiện tại Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Biên bản trao đổi giữa Bộ Xây dựng và KOICA hoặc đã được Bộ Xây dựng tiếp thu, điều chỉnh.

KH&ĐT đánh giá, Dự án được xây dựng trên cơ sở trao đổi giữa Bộ Xây dựng với KOICA, theo đó phía Hàn Quốc cam kết hỗ trợ tài chính, cung cấp chuyên gia và phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Các nội dung mà phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam không trùng lắp với những dự án trong cùng lĩnh vực đã được Bộ Xây dựng triển khai. Dự án hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện trong 3 năm là phù hợp, đủ thời gian để Bộ Xây dựng triển khai các hoạt động khảo sát, đánh giá, nghiên cứu, xây dựng chính sách…

Biên bản trao đổi giữa hai bên cũng đảm bảo về khả năng Chính phủ Hàn Quốc cấp viện trợ không hoàn lại cho Dự án. Còn về nguồn vốn đối ứng, Bộ Xây dựng tự bố trí từ ngân sách hàng năm theo quy định.

Trên cơ sở đó, KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư đối với Dự án; giao KH&ĐT thay mặt Chính phủ gửi công hàm chính thức đề nghị Chính phủ Hàn Quốc cung cấp ODA không hoàn lại cho Dự án và giao Bộ Xây dựng căn cứ quy định hiện hành để nghiên cứu tiếp thu góp ý của các cơ quan liên quan khi chuẩn bị, thực hiện Dự án.

Xem thêm

N. Lê