Đề xuất cơ chế phát triển nhanh, bền vững đảo ngọc Phú Quốc
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cùng các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Quang cảnh hội thảo tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang |
Tại hội thảo có 15 tham luận khoa học đề xuất, phân tích mô hình tổ chức, hoạt động về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc; trong đó cần xây dựng thể chế vượt trội cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc, tạo nền tảng để phát triển Phú Quốc nhanh hơn.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc phải có lợi thế kết nối bên ngoài. Phú Quốc cần nghiên cứu để đề xuất cơ chế phù hợp. Phải xây dựng năng lực cạnh tranh vượt trội cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc ở đẳng cấp cao nhất”.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hiện thực hóa và phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trong bối cảnh hiện nay cần tính đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới. Trên cơ sở phân tích nội hàm, tác động, triển vọng, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phân tích thực tế huyện đảo Phú Quốc; cần định hướng, giải pháp trên các khía cạnh như: tầm nhìn phát triển, tạo lập thể chế vượt trội, nâng cao cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, chính sách ưu đãi mang tính cạnh tranh khu vực và quốc tế; bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, cơ chế đãi ngộ phù hợp…
Phú Quốc ngày càng thu hút nhiều du khách đến vui chơi, du lịch |
Các nhà chuyên môn cũng đề xuất mô hình để phát triển du lịch Phú Quốc trở thành ngành kinh tế chủ lực; phát triển nông nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cho du lịch; cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nguồn lực tài chính, thuế áp dụng cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc; xây dựng môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, hiện Phú Quốc thu hút 265 dự án đầu tư còn hiệu lực, với diện tích 10.522 ha. Trong đó, 197 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với diện tích 7.235 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 218.000 tỷ đồng; 31 dự án đã đi vào hoạt động tổng vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. |
Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Phú Quốc sở hữu những ưu thế tuyệt đối về du lịch sinh thái biển đảo. Vừa là khu du lịch quốc gia, vừa là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nên Phú Quốc sẽ có cơ hội bứt phá phát triển du lịch khi được hưởng những cơ chế, chính sách đặc biệt. Việc xác định sản phẩm chủ lực du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp nhằm phát triển bền vững và mang đẳng cấp thương hiệu của du lịch Phú Quốc”.
Phú Quốc có nhiều bãi biển đẹp |
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc phải bám sát quan điểm và định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ. Tỉnh ghi nhận và mong muốn lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia về chiến lược phát triển, những khó khăn, thách thức và phát sinh có thể gặp, trong quá trình xây dựng và phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Thực tế xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc thời gian qua thì ngoài lĩnh vực du lịch là thế mạnh, thì Phú Quốc cần phát triển thêm các trụ cột kinh tế mũi nhọn để đảm bảo tính bền vững. Xây dựng mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đủ sức đảm đương công việc trong thời gian tới”.
Cũng theo ông Phạm Vũ Hồng, cơ chế chính sách đặc biệt là vấn đề hết sức quan trọng, tác động đến sự thành công trong quá trình phát triển kinh tế của Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Nếu cơ chế, chính sách đủ mạnh, thật sự “khác biệt”, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế thì sẽ tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Phú Quốc; đồng thời là nơi ươm mầm cho các ý tưởng và hiện thực hóa các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao… để Phú Quốc trở thành một khu vực kinh tế năng động, hiệu quả.