Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện, xe nội kì vọng giảm giá sâu
"Họ nhà Toyota" mất khách, Xpander và CRV giảm doanh số
Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, hãng xe liên doanh số 1 tại Việt Nam là Toyota dù đã làm đủ mọi cách giảm giá các dòng xe chiến lược, song doanh số "con cưng" Vios, Altis và Innova vẫn giảm khá mạnh.
Nhiều mẫu xe lớn mất doanh số trong tháng 7
Cụ thể, trong tháng 7, Vios đang giảm doanh số kinh ngạc, dòng xe này chỉ tiêu thụ được hơn 2.300 chiếc, giảm 700 chiếc so với tháng trước.
Trong khi đó, mẫu Innova 7 tháng đầu năm bán ra được hơn 6.900 chiếc, giảm khoảng 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Toyota Altis cũng bị suy giảm doanh số mạnh, hết 7 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 2.200 chiếc, giảm hơn 1.300 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, hai ngôi sao trên thị trường xe nhập là Honda CRV và dòng xe đa dụng Mitsubishi Xpander đều giảm doanh số do thời gian qua bị dính lỗi kỹ thuật.
Trong tháng 7, Honda CRV chỉ bán 620 chiếc, giảm hơn 150 chiếc so với tháng trước; mẫu Xpander của Mitsubishi cũng chỉ bán ra được hơn 1.000 chiếc, giảm gần 600 chiếc so với tháng trước.
Thuế "linh kiện nội" lần thứ hai được đề xuất bỏ
Tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ sẽ đề xuất giảm thuế với linh kiện làm được trong nước.
Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất giảm thuế xe trong nước
Đây là lần thứ 2 mà Bộ Công Thương đề xuất hoặc có ý định đề xuất lên Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội về chính sách thuế nội địa này.
Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi, áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ trở xuống theo hướng: Không đánh thuế TTĐB đối với phần giá trị tạo ra trong nước với thời hạn của chính sách là 5-10 năm.
Hiện thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô và linh kiện ô tô vẫn được áp dụng tại Việt Nam theo dung tích xylanh của xe hơi với tỷ lệ thấp nhất là 35% và cao nhất là 160%. Thuế Tiêu thụ đặc biệt là loại thuế nội địa nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, không áp dụng tuân thủ theo điều ước về thương mại và được các nước tự do điều chỉnh phù hợp mục đích của mình.
Trước "tháng cô hồn", tiêu thụ xe đã giảm
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe hơi trong tháng 7/2019 đã giảm nhẹ khoảng 2% so với tháng trước, trong đó xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi giảm 4% (khoảng 900 chiếc).
Không đợi đến "tháng cô hồn", tiêu thụ xe trước đó đã giảm nhẹ
Đây là đặc điểm thị trường khác biệt và đáng chú ý so với những năm trước khi doanh số bán xe hơi trong những tháng trước tháng "cô hồn" - tháng 7 âm lịch đều có xu hướng tăng do người dân né tháng này để tăng mua xe từ những tháng trước đó. Tuy nhiên, hiện nay, xu hướng này không còn được giữ như trước đây.
Việt Nam chi 4,3 tỷ USD nhập xe và linh kiện, đa phần xe giá rẻ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 7 tháng đầu năm cả nước đã nhập hơn 86.900 xe hơi, trong đó có đến 70% là xe con giá rẻ dưới 440 triệu đồng.
Việt Nam chi lượng tiền lớn để nhập xe tiêu thụ trong nước
Theo báo cáo của cơ quan hải quan, hết 7 tháng đầu năm, lượng và giá trị nhập khẩu của toàn ngành ô tô về Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt con số khoảng 4,3 tỷ USD.
Trong hơn 63.000 xe con dưới 9 chỗ ngồi, gần 90% nhập từ Indonesia và Thái Lan. Giá bình quân của xe con nhập khẩu về Việt Nam khai báo trị giá hải quan là 438 triệu đồng/chiếc. Mức giá trên được coi là rất thấp, điều này cho thấy chủng loại xe nhập về phần lớn là xe bình dân của các nước trong khu vực.
Nóng "cuộc chiến trụ hạng" của xe cỏ, giá rẻ
Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, dòng xe nhỏ giá rẻ (còn được gọi là xe cỏ) tại Việt Nam có mức tăng khá chậm bất chấp lợi thế của dòng xe này là giá thấp, phù hợp với túi tiền của đông đảo người tiêu dùng Việt Nam và đặc điểm giao thông tại Việt Nam.
Xe cỏ giá rẻ đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 7/2019, lượng xe hatchback tiêu thụ được hơn 9.000 chiếc, tăng 1.700 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng này thấp nhất trong 5 dòng xe ăn khách tại Việt Nam, thua xa so với các dòng xe du lịch sedan, xe thể thao SUV và xe gia đình MPV.
Giảm giá bán chạy thuế, đại lý lỗ nặng
Giá nhiều mẫu xe hiện giảm xuống đáy do cung vượt cầu, còn các đại lý thi nhau xả hàng tồn kho. Thua lỗ nhiều, các DN bán lẻ ô tô đang kỳ vọng sau tháng 7 âm lịch giá sẽ tăng.
Giảm giá sâu các loại xe khiến các đại lý chịu ảnh hưởng lớn.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô của các DN thành viên, tính đến hết tháng 7/2019 đạt 180.940 chiếc, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 35%. Lượng xe bán ra liên tục tăng, nhiều DN vẫn đạt được tăng trưởng cao nhưng bán lẻ ô tô gặp khó khăn.
Bộ Tài chính giải cứu xe Việt trước 2030!?
Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) theo đó xe hơi từ EU sẽ vào Việt Nam mà không phải chịu thuế nhập khẩu (hiện là 74% - 78%) tùy theo dòng xe. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp, liên doanh sản xuất, lắp ráp xe hơi trong nước lo ngại.
Bộ Tài chính hỗ trợ chính sách cho xe lắp ráp trong nước
Mới đây, thông tin Bộ Tài chính đang có kế hoạch hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp sản xuất xe hơi trong nước, theo thông tin Bộ Tài chính đề xuất cần có chính sách kịp thời cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để duy trì và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Theo đó, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô, Bộ Tài chính bổ sung đối tượng được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0% tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.