|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề xuất bỏ bớt thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc bán nhà, đất để sớm phục hồi

16:28 | 23/06/2023
Chia sẻ
Theo đại biểu Quốc hội, các doanh nghiệp bất động sản đều đang khó khăn, cần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý để thuận lợi hơn trong việc kinh doanh và từng bước được phục hồi.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh. (Ảnh: quochoi).

Chiều 23/6, Quộc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Nêu ý kiến, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng Dự thảo Luật còn nhiều quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đơn cử, khoản 2 Điều 25 quy định, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền quản lý thị trường bất động sản để được bán, cho thuê, mua. Cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh phải có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện của nhà ở và trả lời bằng văn bản nếu nhà ở không đủ điều được bán, cho thuê mua.

Tương tự, khoản 4 Điều 32 quy định, trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô bán nền trong dự án bất động sản, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo gửi cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh và phải được chấp thuận.

“Đây là những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường hậu kiểm, áp dụng chế tài nếu các chủ đầu tư dự án vi phạm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đều đang hết sức khó khăn, cần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý để thuận lợi hơn trong việc kinh doanh và từng bước được phục hồi. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo bỏ quy định này trong Dự thảo”, đại biểu nói.

Về thủ tục chuyển toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tại khoản 3 Điều 43 dự thảo Luật quy định trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, sau khi đã quyết định cho phép chuyển nhượng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng, thủ tục sẽ thực hiện như sau:

Bước một, bên chỉ ngoài thực hiện thủ tục trả lại đất cho Nhà nước. Bước hai, bên nhận chuyển đổi sau khi được công nhận là chủ đầu tư dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của luật về đất đai.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, việc đầu tư phải thực hiện thủ tục theo đúng hướng bên chuyển đổi trả lại đất đai sau khi Nhà nước giao đất cho bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được công nhận là chủ đầu tư dự án sẽ làm phức tạp thêm thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện các hoạt động chuyển nhượng. Việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng có ý nghĩa về các yếu tố, điều kiện của bên nhận chuyển nhượng đã được thẩm định. Vì vậy, thủ tục thành 2 bước như vậy như dự thảo là không hợp lý.

Từ bất cập trên, đại biểu đề nghị Cơ quan thảo luận xem xét sửa đổi thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tương tự như các trường hợp chuyển nhượng của tổ chức kinh doanh quốc tế có vốn trong nước.

Theo đó, sau khi bán, chuyển nhượng gửi hồ sơ đề nghị cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng dự án phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng và bàn giao dự án.

Cần quy định chặt chẽ hơn việc bán nhà hình thành trong tương lai

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân. (Ảnh: quochoi).

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu ý kiến về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24.

Theo đó, đại biểu cho rằng cần cân nhắc cho phép chủ đầu tư nhận đặt cọc từ khách hàng và bổ sung quy định về giới hạn tối đa số tiền đặt cọc để tránh việc các chủ đầu tư lạm dụng hình thức đặt cọc nhằm huy động chiếm dụng vốn của khách hàng trong thời gian dự án chưa hoàn tất các điều kiện mở bán. Tình trạng này đã diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản tại Điều 42, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo sẽ gây phát sinh nhiều bất cập vướng mắc về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết đối với dự án bất động sản được chấp thuận nhà đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất tránh phát sinh các bất cập, vướng mắc, đại biểu đề nghị sửa đổi bổ sung theo hướng thống nhất thẩm quyền trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản thực hiện theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản. Đối với các dự án khác không phải là dự án kinh doanh bất động sản thì tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hiện hành.

Bùi Thị Quỳnh Thơ. (Ảnh: quochoi).

Cũng liên quan đến bất động sản hình thành trong tương lai quy định tại Chương 3 của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thời gian qua gây nhiễu loạn thông tin, nhiễu loạn giá cho thị trường. Chưa kể đến những dự án “ma”, dự án phân lô bán nền cũng bắt nguồn từ việc bán bất động sản hình thành trong tương lai.

Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một điều quy định giới hạn giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai trên thị trường thứ cấp nhằm góp phần điều tiết và bình ổn thị trường bất động sản. Vấn đề này có thể kiểm soát thông qua phòng công chứng.

Công Tâm