|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên một số loại nước ngọt

08:59 | 14/06/2024
Chia sẻ
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình về dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt gửi Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025. Về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Để mở rộng cơ sở thuế, đồng bộ với pháp luật chuyên ngành có liên quan và luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối với một số hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đáng chú ý, tại dự thảo lần này, nước giải khát có đường (nước ngọt có ga) cũng nằm trong đối tượng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, dự thảo bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế suất dự kiến là 10%.

Theo Bộ Tài chính, việc đưa các loại đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ nước giải khát có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Vì vậy, chính sách này được cho là có thể kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em từ 5 - 19 tuổi ở Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2020 đã tăng gấp đôi từ 8,5% lên 19%. Đây là mức cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) và cao hơn tỷ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và thu nhập trung bình của khu vực (13,4% tại Campuchia, 16,6% tại Lào, 14,1% tại Myanmar, 14,5% tại Philippines, 18% tại Indonesia). 

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ nước giải khát có đường đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% năm 2016 và tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020. 

Nhiều nhóm nước giải khát có đường được tiêu thụ trong năm 2022 tăng trưởng mạnh so với năm 2021 gồm: Đồ uống có ga (16,7%), nước tăng lực (25,5%), nước rau và quả (16,92%), nước uống thể thao (35,6%), trà pha sẵn (9,8%). Dự kiến các sản phẩm này sẽ tiếp tục tăng trưởng 6,4 - 8,7% trong năm 2023.

 Tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát có đường tại Việt Nam ngày càng tăng cao (Ảnh: Bách Hoá Xanh).

Ngoài nước ngọt, tại tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy định rõ mặt hàng "rượu" thành "rượu theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc; đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm" để đồng bộ với Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bên cạnh đó, để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định rõ mặt hàng điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh).

Anh My