|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp lên kế hoạch 'sống chung với COVID-19'

08:20 | 24/03/2020
Chia sẻ
Nếu như hồi đầu năm, các doanh nghiệp xây dựng nhiều kịch bản kinh doanh ở các cấp độ từ lạc quan tới thận trọng thì tới nay, gần như chỉ còn một kịch bản: “làm sao để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Doanh nghiệp lên kế hoạch 'sống chung với COVID-19' - Ảnh 1.

Ðối mặt với khó khăn

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Dệt may - Ðầu tư -  Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch, doanh nghiệp đã lượng hóa được những khó khăn sẽ gặp phải.

Thị trường xuất khẩu của TCM chủ yếu là Mỹ. Theo ông Tùng, tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị nhập khẩu Mỹ cho biết khả năng nhập khẩu vào thị trường này trong năm 2020 dự kiến giảm khoảng 7% so với năm 2019.

Nếu đúng như kế hoạch này thì kim ngạch xuất khẩu của Công ty không bị ảnh hưởng quá lớn.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục bùng phát và lan nhanh ở Mỹ trong thời gian tới, kế hoạch xuất khẩu của TCM vào thị trường này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Giai đoạn đầu năm, TCM tự tin vào khả năng tăng trưởng hai con số trong năm 2020, nhưng với tác động của bệnh dịch, Hội đồng quản trị Công ty đã họp và quyết định điều chỉnh giảm đáng kể kế hoạch kinh doanh.

Theo đó, mục tiêu doanh thu năm nay tăng trưởng 3,7% so với năm 2019; chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra là 188 tỷ đồng, tương ứng giảm 12,9% so với năm 2019.

Tháng 2 vừa qua, doanh thu của TCM đạt gần 12,7 triệu USD, hoàn thành 92% kế hoạch doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận trong tháng chỉ hoàn thành hơn 60% kế hoạch, đạt 409.085 USD. Lũy kế hai tháng đầu năm, doanh thu của Công ty đạt 21,3 triệu USD, giảm gần 21% so với cùng kỳ.

TCM là doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu nên không gặp phải tình trạng khan nguyên liệu đầu vào trong giai đoạn vừa qua như nhiều doanh nghiệp trong nước khi dòng lưu thông hàng hóa qua biên mậu Trung Quốc bị chậm lại bởi dịch bệnh.

Nhưng đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới việc xuất khẩu sợi của TCM sang Trung Quốc, trong khi đây vốn là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao.

Tỷ suất lợi nhuận trong 2 tháng đầu năm 2020 của Công ty đã giảm xuống còn 3,85%, trong khi cùng kỳ 2019 đạt 8,29%.

Các doanh nghiệp ngành điện tưởng chừng không chịu quá nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng thực tế không phải như vậy. Trong bức tranh kinh doanh 2020 của ngành điện, điểm chung là nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch đi lùi.

Ngày 30/3, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) sẽ tổ chức họp Ðại hội cổ đông thường niên. Lãnh đạo PPC cho biết, Công ty đã ký hợp đồng điện dây chuyền 1 giai đoạn 2020 - 2023, tuy vậy, đó là thời điểm Covid-19 chưa bùng phát như hiện tại.

Và nay, khi dịch bệnh đang diễn biến khó lường, Công ty đã đặt mục tiêu phù hợp cho năm như sản lượng sản xuất ước đạt 6,2 triệu kWh, sản lượng điện bán cho EVN gần 5,6 triệu kWh. Cùng với đó, kế hoạch sửa chữa lớn trong năm 2020 với chi phí khoảng 630 tỷ đồng sẽ kéo giảm lợi nhuận của Công ty.

Theo PPC, các hoạt động chung của doanh nghiệp chậm lại, nhu cầu tiêu thụ điện năng giảm, điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp cung cấp năng lượng nói chung, các doanh nghiệp ngành điện nói riêng.

Ðối với các chỉ tiêu kinh doanh, PPC ước tính, doanh thu cả năm đạt hơn 8.277 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế mục tiêu là gần 677 tỷ đồng, chỉ bằng 53% so với năm 2019.

Năm nay, CTCP Ðiện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đặt mục tiêu hơn 7.177 tỷ đồng doanh thu, giảm 7% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế 620 tỷ đồng, giảm 18%. NT2 cho biết, Công ty đang tăng cường phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo đủ nhiên liệu vận hành theo hướng cân đối giữa sản lượng điện và lợi nhuận.

Trong bối cảnh nguồn khí trong nước đang suy giảm, Công ty sẽ chủ động tìm kiếm các nguồn cung cấp khí bổ sung.

Trong ngành xây dựng, mới đây, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã gửi thông điệp đến cán bộ công nhân viên Công ty về các đối sách của Công ty trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Hải cho biết, HBC đang triển khai hết sức mạnh mẽ và khẩn trương các biện pháp đối phó với những diễn biến đang xấu đi rất nhanh chóng của tình hình kinh tế toàn cầu.

Các công tác chuẩn bị đang được triển khai khẩn trương để ngay trong tháng 4 tới, mô hình mới trong quản lý sản xuất - kinh doanh cho phép phần lớn nhân viên có thể làm việc online, công việc không bị gián đoạn bởi vị trí địa lý, được triển khai.

Cũng theo ông Hải, Ban Lãnh đạo Tập đoàn đang nỗ lực xây dựng kế hoạch ứng phó rủi ro, kể cả với kịch bản ở mức xấu nhất.

Nỗ lực tự thân là chưa đủ

Du lịch, hàng không là nhóm ngành chịu thiệt hại rất lớn tính từ đầu năm đến nay, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020.

Phó tổng giám đốc CTCP Vietjet, bà Hồ Ngọc Yến Phương cho rằng, để vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này, nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp là chưa đủ.

Chính phủ cần triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, như giảm lãi suất, đặc biệt là tăng cung tiền, giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp.

Cũng theo bà Phương, ở thời điểm này, cần giải pháp kích cầu trong nền kinh tế, thông qua thúc đẩy đầu tư công, trong đó bao gồm hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không...; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế.

Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TCM Nguyễn Như Tùng cũng nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang trong tâm thế cố gắng hết sức để vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng rõ ràng nếu được sự “tiếp sức” từ phía Chính phủ thông qua các chính sách ưu đãi sẽ giúp giảm bớt khó khăn và tiếp thêm động lực vượt khó cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp dệt may thường có hàng nghìn nhân công, hỗ trợ doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với hỗ trợ hàng nghìn người lao động không bị mất việc làm”, ông Tùng chia sẻ.

Ðộng thái khoanh vùng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để giảm lãi, giãn thời gian thu hồi nợ từ phía ngân hàng thời gian qua ít nhiều đã giảm áp lực trả nợ đối với các doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng ngưng trệ sản xuất do nguồn cung bị cắt đứt, trong khi vẫn phải gánh các chi phí trả lương nhân viên, chi phí lãi và các loại phí duy trì hoạt động khác.

Dù vậy, như chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, việc được giãn nợ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian tìm kiếm giải pháp vượt khó, nhưng giải pháp này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, trong khi vẫn chưa biết được khi nào dịch bệnh mới được kiểm soát cũng như chưa thể lường hết thiệt hại dịch bệnh gây ra.

Ở thời điểm hiện tại, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng như nhiều hiệp hội đã đưa ra kiến nghị về các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như giảm thuế, các chính sách kích cầu…

Các giải pháp hỗ trợ nếu được triển khai sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, thay đổi hiện trạng giá cổ phiếu lao dốc không phanh như hiện nay.

Hoàng Anh