|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Để Việt Nam thành trung tâm phát triển phần mềm của Đông Nam Á, doanh nghiệp phải 'chớp' cơ hội

15:42 | 28/08/2019
Chia sẻ
Việt Nam có rất nhiều cơ hội để xuất khẩu phần mềm ra thị trường thế giới cũng như trở thành trung tâm phát triển phần mềm và đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á.

Nhu cầu công nghệ tăng là tiền đề để Việt Nam trở thành điểm đến cho đổi mới sáng tạo

Tại buổi giới thiệu chuỗi sự kiện Hội nghị phát triển dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam 2019 với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến cho đổi mới sáng tạo," do Liên minh Xuất khẩu Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Công viên Phần mềm Quang Trung và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM tổ chức ngày 27/8 tại TP HCM, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm phát triển phần mềm và đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Liên minh Xuất khẩu Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Liên minh VNITO), nhận định Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực gia công xuất khểu phần mềm, khiến giới chuyên môn quốc tế coi là "Software Development Hub" (trung tâm phát triển phần mềm) ở tầm khu vực châu Á về gia công phát triển phần mềm. 

Trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và dịch vụ IT, hơn 80% doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đều có khách hàng ở nước ngoài, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Australia, Canada, EU, Nhật Bản.

"Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều mô hình, chính sách mới như chương trình đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hưởng ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là tiền đề để Việt Nam trở thành điểm đến cho đổi mới sáng tạo", ông Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Park Jihwan, Giám đốc Điều hành Công ty ThinkforBL cho biết hiện thị trường và nguồn nhân lực kĩ sư phần mềm của Hàn Quốc đang thu hẹp, khiến các công ty Hàn Quốc gặp khó khăn. 

"Bài toán doanh nghiệp Hàn Quốc hướng tới để giải quyết vấn đề này là hợp tác với đối tác toàn cầu nhằm mang lại lợi ích song phương cho các bên. Chúng tôi chọn Việt Nam là địa điểm hàng đầu để giúp các công ty phần mềm Hàn Quốc gia tăng giá trị cạnh tranh toàn cầu", ông Park Jihwan nói.

00269be73bfcdca285ed

Toàn cảnh buổi giới thiệu chuỗi sự kiện Hội nghị phát triển dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam 2019 với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến cho đổi mới sáng tạo," diễn ra ngày 27/8 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc công ty KPMG Việt Nam, tiết lộ kết quả một khảo sát mới đây với trên 3.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu, theo đó gần như tất cả doanh nghiệp được hỏi đều muốn đầu tư vào thay đổi, đặc biệt là chuyển đổi số. 

"Bởi họ quan niệm tốc độ đang đóng vai trò quyết định để mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp", ông Ái nói.

Do đó, theo Phó tổng giám đốc công ty KPMG Việt Nam, chúng ta có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt tận dụng được cơ hội này hay không.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là mấu chốt để nắm cơ hội

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Giải pháp phần mềm TMA Solutions, cho biết những công ty ở Bắc Mỹ và EU từ lâu đã e ngại việc đưa công việc về Trung Quốc vì vấn đề sở hữu trí tuệ, ăn cắp bản quyền. 

Công nghệ thông tin cũng là một trong những vấn đề quan trọng của cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Vì vậy, với cuộc thương chiến đang leo thang căng thẳng càng tác động thêm cho những khách hàng phải quan tâm nhiều đến sở hữu trí tuệ, đồng nghĩa gia tăng thêm cơ hội xuất khẩu phần mềm từ phía Việt Nam.

"Tuy nhiên, ngành gia công phần mềm đã bước qua giai đoạn 2.0. Trước đây, khách hàng giao yêu cầu rồi ta làm. Bây giờ, chúng ta phải tham gia tìm giải pháp cho họ ngay từ bước triển khai đầu tiên", ông Lệ nói.

Đây cũng là nhận định của ông Nguyễn Bá Quỳnh, Tổng giám đốc Global CyberSoft. Theo ông Quỳnh, bản chất nhu cầu gia công phần mềm của khách hàng quốc tế giờ đã thay đổi. Ngày trước, khách hàng chọn thuê ngoài nhằm tiết giảm chi phí. Giờ đây, việc thuê ngoài hiện thời là hướng đến nhu cầu đổi mới công nghệ, tiếp cận giải pháp mới.

"Do đó, để lên bậc sáng tạo thì ngành phầm mềm cũng cần 3 vấn đề mấu chốt gồm chính sách hỗ trợ môi trường đổi mới sáng tạo và thực thi bảo vệ sở hữu trí tuệ, bộ khung về đổi mới trong hoạt động trong doanh nghiệp cùng đội ngũ nhân sự đầy đủ và chất lượng", ông Quỳnh chia sẻ.

bb3418f2b8e95fb706f8

Các chuyên gia chia sẻ quan điểm về cơ hội trở thành trung tâm phát triển phần mềm Đông Nam Á của Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đồng tình rằng Hội nghị Phát triển dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam năm 2019 sẽ là một trong những cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm về đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.

Hội nghị diễn ra từ ngày 23-25/10 tại TP HCM với các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp phần mềm đang hoạt động tại Việt Nam và khách hàng trong, ngoài nước; triển lãm công nghệ với 60 gian hàng giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp các nước như trí tuệ nhân tạo (AI/ML), chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), IoT, chuyển đổi số (Digital Transformation) và nhân lực công nghệ thông tin...

Đồng thời, về thương chiến Mỹ – Trung, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng trực tiếp của nó đến hoạt động xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam không lớn, nhưng đó sẽ là cơ hội mở cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta cần đáp ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để tận dụng tốt cơ hội.

Như Huỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.