|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Để thúc đẩy ngành game phát triển, cần nuôi dưỡng, đầu tư chứ không phải tận thu'

16:38 | 01/04/2023
Chia sẻ
Đây là quan điểm của ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại Ngày hội Game Việt Nam diễn ra sáng 1/4 ở TP HCM.

 ÔngLê Quang Tự Do. (Ảnh: VNG).

Không nên tận thu ngành game Việt

Tại phiên thảo luận, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá về lợi thế, game là ngành có tính quốc tế vì thế các doanh nghiệp hoạt động không chỉ ở trong Việt Nam mà còn vươn ra thế giới và kết nối các doanh nghiệp, studio lớn trên thế giới. Nước ta đang có lợi thế đó. Và các nước lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ cũng đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Nhân lực làm game của Việt Nam có năng lực tốt, chuyên môn lập trình tốt, chăm chỉ, siêng năng chịu khó. Một lập trình viên Việt Nam thậm chí có thể tự làm sản phẩm từ A đến Z. Vì vậy, các start-up game ở Việt Nam rất thuận lợi để phát triển, chỉ cần một nhóm 2-3 người, có ý tưởng và kết nối được sự đầu tư là có thể phát triển được một game. Thực tế có nhiều game như vậy đã thành công.

Tuy nhiên, theo ông Tự Do, hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa đi cùng nhau. Trong 10 năm qua, ngành game chúng ta chọn cách đi một mình để đi nhanh nên chỉ có một vài doanh nghiệp phát triển còn cộng đồng game thì không. Vì không đi cùng nhau nên ngày càng gặp nhiều khó khăn. 

"Hiện nay, Bộ đang cấp phép khoảng 200 doanh nghiệp game nhưng hiện tại thực sự hoạt động chỉ còn khoảng 30 doanh nghiệp, và 30 doanh nghiệp đó nếu không có những sự hỗ trợ để vực dậy thì ngày càng chết đi", ông Tự Do nói.

Thứ hai, theoBộ Thông tin và Truyền thông, là vì không đi cùng nhau nên ko tận dụng được lợi thế của nhau. Các bên giỏi viết game, làm game thì không có kinh nghiệm phát hành nên tiếp cận người dùng ít.

Còn các bên làm phát hành rất tốt thì cũng khao khát để tìm ra những game Việt chất lượng để nâng tầm sản phẩm nội địa thì lại không tìm được. Vì vậy dẫn đến thực trạng là người Việt Nam hầu hết chơi game nước ngoài, còn doanh nghiệp Việt sản xuất game lại không phải cho người chơi trong nước mà cho nước ngoài

"Bên cạnh đó, chính sách còn nhều bất cập đối với ngành game. Mới nhất là Bộ Tài chính dự kiến đưa thuế tiêu thụ đặc biệt vào game online, Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc trực tiếp với Bộ tài chính để ko áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game. Vì để thúc đẩy một lĩnh vực phát triển thì chúng ta phải nuôi dưỡng và đầu tư chứ ko phải tận thu", ông Do nêu quan điểm.

Sự phát triển của ngành game nói riêng và internet nói chung rất nhanh, rất mạnh nhưng chính sách thì chưa theo kịp. Ví dụ như các game blockchain, NFT chưa hề có chính sách, vì vậy nhiều doanh nghiệp game, nhất là các start-up nhỏ lựa chọn thành lập ở nước ngoài như Singapore để hưởng các chính sách thí điểm hỗ trợ. Dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám, ông Do thông tin.

Nguyên nhân thất thu thuế ngành game

Trao đổi tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Tổng giám đốc VTC cho biết nhiều người nói doanh thu cao, lợi nhuận cũng cao nhưng nộp thuế thấp. Điều này xảy ra là vì chính sách không tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt cống hiến tại Việt Nam mà phải ra nước ngoài. Dẫn đến thất thu thuế.

"Thật ra doanh thu của thị trường game Việt Nam là một con số rất nhỏ so với thị trường thế giới. Có nghĩa rằng đây là thị trường đang cần được nuôi dưỡng, vậy đáng lẽ còn phải được miễn thuế. Nhiều doanh nghiệp đang thành lập tại Singapore vì tại đó đang có cơ chế sandbox có nhiều hỗ trợ, cơ hội cho các doanh nghiệp", ông Bảo chia sẻ.

Theo Tổng giám đốc VTC, hiện tại chỉ còn khoảng 30 doanh nghiệp game còn hoạt động, tức là thật ra ngành game là ngành đang khó khăn. Để làm thành công một game là không dễ, nếu áp thêm thuế thì sẽ còn bị hạn chế rất nhiều

Các nhà phát hành chỉ thu được lợi nhuận 10% thôi còn 90% quy mô thị trường game lại được tạo ra từ các ngành nghề khácc khác. Vậy Bộ Tài chính nên nhìn nhận làm sao hỗ trợ ngành game để tạo ra 90% giá trị kia, nên coi ngành game làm bệ đỡ cho các ngành khác phát triển. 

Trong khi đó, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến khu vực tại CTCP VNG nói rằng đây có lẽ là cơ hội để doanh nghiệp game làm rõ hơn về hoạt động của mình , để các bên có thể hiểu rõ hơn về ngành game. 

Khi chúng ta làm rõ đc các vấn đề, truyền thông rõ hơn để cơ quan quản lý năm đc rõ thực tế ngành game thì có thể sẽ đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp hơn.

"Hôm trước Bộ Tài chính và các chuyên gia cũng có nói mục đích của đánh thuế tiêu thụ đặc biệt không phải để thu thuế mà để điều chỉnh hành vi người dùng. Với mục đích đó thì có nhiều biện pháp khác về mặt kỹ thuật chứ ko cần phải thu thuế.

Trách nhiệm của các doanh nghiệp game, các hiệp hội và liên minh game cần làm lúc này là báo cáo đầy đủ, rõ ràng các thông tin, số liệu về hoạt động của ngành… để các cơ quan quản lý có góc nhìn đầy đủ, từ đó có chính sách ứng xử phù hợp", ông Thắng chia sẻ thêm.

Đức Huy