|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề nghị rà soát những người không đủ điều kiện ở nhà xã hội

21:00 | 28/10/2024
Chia sẻ
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc xét duyệt hồ sơ thiếu chặt chẽ khiến nhiều trường hợp không thuộc diện ưu đãi lợi dụng để mua bán nhà xã hội kiếm lời.

"Có dự án nhà xã hội chưa nghiệm thu đã được rao bán trên mạng. Nếu vào cuộc thanh tra, kiểm tra, chắc chắn sẽ phát hiện nhiều người không đúng diện vẫn được ưu đãi", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo giám sát thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, sáng 28/10.

Phó đoàn Hải Dương cho rằng việc xét duyệt hồ sơ nhà ở xã hội còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng người không đủ điều kiện vẫn được cấp nhà, người có thu nhập thấp lại khó tiếp cận. Bà đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và lách luật, có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo nhà ở xã hội thực sự đến tay những người có nhu cầu.

"Tôi đề nghị bổ sung kiểm tra diện ở nhà xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua để phát hiện, xử lý các sai phạm", bà Nga nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu sáng 28/10. (Ảnh: Media Quốc hội)

Nữ đại biểu cũng đề nghị Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sớm triển khai dự án nhà xã hội cho công nhân lao động, nhất là ở nơi nhiều khu công nghiệp, có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Chính quyền địa phương cần đa dạng hóa loại hình nhà ở xã hội (như cho thuê) để giúp người lao động giải quyết vấn đề nhà ở trước mắt.

Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đồng tình với đề xuất rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán nhà ở xã hội trái quy định. Theo ông, cầu vượt gấp nhiều lần cung khiến "xét duyệt không công bằng", người đủ điều kiện thì không được mua, người mua lại không thuộc diện tiếp cận.

Chính sách ưu đãi dành cho nhà xã hội hiện cũng chưa thực chất. Việc dành ra 20% quỹ đất dự án nhà thương mại để xây nhà xã hội không khả thi do các dự án hầu hết nhỏ lẻ. Hơn nữa, sử dụng chung hạ tầng, tiện ích, dịch vụ với nhà ở thương mại khiến chi phí tăng cao, gây khó cho người thu nhập thấp.

"Việc tiếp cận vốn tín dụng khó khăn trong thời điểm thị trường bất động sản sôi động khiến nhà đầu tư chấp nhận vay với lãi suất rất cao. Mà lãi vay cao thì bán giá cao, chịu thiệt thòi chính là người mua", ông Hòa nói, cho rằng mục tiêu một triệu căn nhà xã hội sẽ khó đạt được nếu các địa phương không sớm ban hành quy định mới về đất đai để thúc đẩy các dự án.

Khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), tháng 7/2023. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng giá bất động sản đã "vượt xa mức thu nhập của đại bộ phận người dân, tạo ra áp lực an cư". Nguồn cung tập trung chủ yếu vào các dự án bất động sản cao cấp, trong khi nhà giá rẻ thiếu hụt so với nhu cầu. Quy hoạch thiếu đồng bộ, thủ tục đầu tư phức tạp dẫn đến chậm tiến độ và đội chi phí các dự án bất động sản. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng do thiếu tài sản bảo đảm và ngân hàng siết chặt kiểm soát rủi ro.

Các vướng mắc về tài chính và thủ tục hành chính đang khiến nhiều dự án nhà ở xã hội bị đình trệ. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Phúc đề xuất một số giải pháp như tạo quỹ đất ưu tiên, thành lập quỹ tín dụng, ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án và đảm bảo mục tiêu cung cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Đại biểu Tạ Minh Tâm, Phó đoàn Tiền Giang, cho rằng nguồn vốn cho nhà ở xã hội hiện nay còn hạn chế, chủ yếu dựa vào doanh nghiệp và ngân sách. Ông đề nghị nên khuyến khích hình thức đầu tư của cá nhân và hộ gia đình, đồng thời nâng cấp các nhà trọ hiện hữu.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, giai đoạn 2015-2023, nhiều địa phương có nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng kết quả triển khai hạn chế so với mục tiêu tại đề án xây một triệu căn nhà xã hội đến 2025. Đơn cử, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn), đạt 9% chỉ tiêu. TP HCM cần xây 26.200 căn đến 2025 song hiện đạt khoảng 19% mục tiêu, gần 5.000 căn. Tương tự, Đà Nẵng cũng mới đạt 43% với 2.750 căn tại 5 dự án. Thậm chí, một số tỉnh không có dự án nhà xã hội nào được khởi công từ 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Sơn Hà