|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề nghị bổ sung số liệu doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lỗ mất vốn hàng năm

02:00 | 12/12/2020
Chia sẻ
Bộ Tài chính mới đây có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc góp ý đề án "Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030" của Bộ KH&ĐT.

Theo công văn, về Tờ trình số 5704 của Bộ KH&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 31/8, Bộ Tài chính góp ý cần xem xét lại nội dung việc “Chưa có chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có hành vi chuyển giá, kinh doanh với thực trạng lãi thật, lỗ giả...; tình trạng doanh nghiệp ĐTNN áp dụng chiến lược kinh doanh “vốn mỏng”.

Theo Bộ Tài chính, do trong thời gian qua việc quản lí doanh nghiệp ĐTNN có hành vi chuyển giá đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao và ban hành chính sách quản lí

Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 qui định về quản lí thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. 

Đối với tình trạng doanh nghiệp ĐTNN áp dụng chiến lược kinh doanh "vốn mỏng” đã được thắt chặt quản lí tại Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 24/06/2020. 

Hiện nay dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã được Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Bộ Tài chính góp ý về hành vi chuyển giá, kinh doanh với thực trạng lãi thật, lỗ giả, 'vốn mỏng' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN).

Về nội dung dự thảo Đề án "Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030" của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính góp ý về nội dung "Thực trạng vốn ĐTNN trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội" nên tập trung vào đánh giá cho giai đoạn 2011-2020, không nên mở rộng đến năm 1991 vì kì xây dựng chiến lược là 10 năm.

Trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của dự thảo Đề án, Bộ Tài chính đề nghị xem xét, bổ sung chính sách thu hút ĐTNN thông qua việc kí kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của Việt Nam qua các giai đoạn: 

"Việc đàm phán, kí kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là sự kiện đánh dấu bước phát triển trong quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và các nước vùng lãnh thổ trên thế giới, giúp xóa bỏ việc đánh thuế trùng giữa các quốc gia trên cùng một khoản thu nhập của các đối tượng liên quan, tạo khung pháp lí thuận lợi, thúc đẩy thương mại, đầu tư qua biên giới bằng cách loại trừ các rào cản về thuế đối với các hoạt động này để hỗ trợ các nhà đầu tư tiến hành hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài".

Bộ Tài chính cũng có ý kiến về thông tin “Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ĐTNN chưa đạt như kì vọng, chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và những ưu đãi được hưởng. Tỉ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư đăng kí chưa cao (khoảng 58,3%)”.

Để làm rõ cho nhận định trên, ngoài số liệu về tỉ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư, Bộ KH&ĐT cần bổ sung số liệu về tỉ lệ doanh nghiệp ĐTNN báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn hàng năm.

Nội dung tiếp theo Bộ Tài chính góp ý là về giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTNN. Theo Bộ này, Nghị quyết số 50-NQTW ngày 20/08/2014 của Bộ Chính trị về định hướng, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030, đã đề ra các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư. 

Trong đó giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện, xây dựng các qui định, chính sách cụ thể liên quan đến thu hút đầu tư. Trong khi đó, các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đề ra trong dự thảo Đề án vẫn mang tính chất chung, chưa đưa ra các hoạt động cụ thể. Vì vậy, đề nghị Bộ KH&ĐT làm rõ và đề xuất các hoạt động cụ thể cho các giải pháp trong Đề án.

Theo Bộ Tài chính, do giai đoạn thực hiện của Đề án là từ 2021-2030, đề nghị Bộ KH&ĐT bổ sung phần phân tích dự báo tổng quan (gồm các biến động chính trị, kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam) trong giai đoạn này, từ đó có cơ sở đề xuất mục tiêu và giải pháp.

Trong Đề án, đối tượng thu hút đầu tư là các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT căn cứ trên các số liệu đầu tư hiện có, phân loại các nước, vùng lãnh thổ hiện đang là đối tác đầu tư lớn vào Việt Nam; các đối tác có tiềm năng; phân tích nhu cầu của các đối tác này để có giải pháp phù hợp.

Ngoài những nội dung trên, một ý kiến góp ý khác của Bộ Tài chính cũng đã được nêu rõ cùng hướng đề nghị để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chu Lai