|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Để leo lên nấc thang sự nghiệp, bạn không cần phải là người quản lí

14:00 | 06/04/2020
Chia sẻ
Tại nhiều công ty, có một số nhân viên tài năng nhưng lại không màng đến việc thăng chức lên quản lí hoặc muốn chịu trách nhiệm cho cả một đội nhóm. Đối với họ, việc thăng tiến lên lãnh đạo không đồng nghĩa với những gì họ thích và làm tốt.

Việc phản ứng như vậy có thể làm tổn thương nhà quản lí nếu người mà họ tiến cử không mặn mà với việc thăng chức dù có kĩ năng quản lí tốt. Sau cùng, những vị sếp tồi được lên chức thường lại là lí do tại sao nhân viên làm việc kém hoặc bỏ việc.

Trong khi đó, nhiều cá nhân dù không muốn trở thành người quản lí nhưng lại vẫn muốn được tăng lương và uy tín nghề nghiệp.

Các công ty có thể làm gì để giữ chân những nhân viên tài năng?

Johnny Taylor, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Quản lí Nhân sự (SHRM) cho biết các công ty cần xem xét việc tạo ra một lộ trình thay thế để nhân viên thăng tiến.

"Có hai nấc thang - một là thang lương thưởng, một là thang quản lí. Nhiều cá nhân không thực sự muốn kiểm soát, quản trị mà họ chỉ muốn nhận một con số nhiều hơn", Taylor nói.

Nhà quản lí cũng cần tập trung vào những cách thức tạo ra động lực cho nhân viên có thể cải thiện chuyên môn, rèn luyện thêm các kĩ năng khác và tiếp tục gắn bó với công ty, ngoài việc kiếm được nhiều tiền hơn.

Theo ông Daniel Nelms, chủ tịch của Viện nghiên cứu việc làm, nơi nghiên cứu việc giữ chân nhân viên của các tổ chức, cho biết: "Công ty nào không cung cấp cơ hội phát triển cho nhân viên có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ mất đi một số tài năng tốt nhất".

"Nếu công ty nào không chú trọng đầu tư những cơ hội như vậy cho nhân viên, công ty đó sẽ không thu hút được những nhân tài họ cần", Nelms nói.

Marcus Buckingham, trưởng phòng nghiên cứu nhân sự của Viện nghiên cứu ADP và là đồng tác giả của cuốn "9 lời nói dối về công việc" cho rằng: Bất cứ ai không muốn thăng chức lên làm quản lí thì nên hỏi trực tiếp sếp xem liệu công ty mình có lựa chọn thay thế như tăng lương thưởng hay có được sự tín nhiệm hơn trong vị trí này hay không.

"Đó là một trong những câu hỏi quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả quản trị nhân sự của một tổ chức", Buckingham nói.

Nấc thang thay thế trong một số ngành

Những cách thăng tiến khác nhau đã tồn tại trong một số ngành ở một mức độ nào đó, nhất là với những nhân tài có khả năng kiếm được nhiều hơn ông chủ của họ, Taylor cho biết.

Ví dụ, một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thế giới có thể kiếm được nhiều hơn trưởng khoa hoặc bệnh viện nơi anh ấy làm việc. Tương tự với những nhân sự trong ngành truyền thông có thể có mức lương cao hơn nhiều so với một giám đốc điều hành mạng.

Ngành công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các kĩ sư có được mức lương rất cao mà không nhất thiết phải làm quản lí trực tiếp.

Nhưng trong một số ngành nghề khác, điều này thường không xảy ra. Bạn vẫn phải có một thời gian làm giám sát, học thêm với một số bằng cấp cao hơn, ... trước khi thăng tiến, Buckingham nói.

Tóm lại, dù là ngành nghề nào, các tổ chức đều tìm kiếm sự sáng tạo và chuyên môn sâu rộng, cũng như sự gắn bó của nhân viên, khi đó thì những lộ trình tăng lương hay danh tiếng sẽ không nhất thiết chỉ thuộc về những người đi theo hướng thăng chức lên làm quản lí, Buckingham nói.

Mặt khác, ông cũng cảnh báo: "Bạn không có sự đổi mới, không nhanh nhẹn, không làm chủ được công việc thì bạn sẽ không thể tồn tại ở một tổ chức chỉ toàn những người chuyên quản lí dự án".

Ngọc Huyền (Theo CNN)