Để đất sinh ra tiền cho dân
Nhập nhằng ở những công ty có lợi thế đất đai | |
TP HCM trị 6 'công thức' sai phạm đất đai |
Khu đất vàng tại TP HCM. Ảnh: Quý Hòa |
Một bức tranh nhiều màu xám về thực trạng “tấc đất” thành “tấc vàng” đã được nêu lên trong cuộc hội thảo “Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra” tổ chức vào đầu tháng 12.2018. Ba nhóm sai phạm được chỉ rõ gồm đất để hoang hóa hay đặt... dự án treo giữ đất, biến đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh trái pháp luật; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
Đã có một ước tính, xét trên phạm vi cả nước, thất thoát tài sản nhà nước từ sai phạm về đất đai có thể lên tới vài trăm ngàn tỉ đồng. Từ điểm nhìn này, người ta mường tượng, các hành động quyết liệt xử lý sai phạm về đất đai ở Đà Nẵng hay ở TP HCM có thể mới chỉ là những cái phủi nhẹ. Thế nhưng, căn nguyên của vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở việc đâu đó có những sai phạm như vậy.
Đã có những gợi ý từ thực tế. Nguồn thu từ đất đai trong cơ cấu thu ngân sách hằng năm giai đoạn 2012-2017 chỉ đạt mức 6,6%, rất khiêm tốn, đặc biệt khi so với Singapore. Quốc gia này đã 2 năm liên tiếp “lì xì” người dân từ 21 tuổi trở lên với mức tiền từ 76USD cho tới hơn 300USD do thặng dư ngân sách từ thuế mua nhà đất.
Thủ tướng Chính phủ cho phép TP HCM chuyển 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, bất động sản sẽ tạo ra cơ hội lớn cho nguồn thu của thành phố. Ước tính sơ bộ giá trị của việc chuyển đổi này nếu đem đấu giá sẽ tạo được 1,5 triệu tỉ đồng. Con số này cho thấy sự bức thiết của việc chuyển đổi để tăng hiệu quả khai thác đất đai, kinh tế đất, tài chính đất đai trên cả nước nói chung.
Tín hiệu từ việc siết chặt quản lý đất đai hay việc thu hồi tài sản hình thành do tham nhũng đất đai thời gian vừa qua đã giúp mức đóng góp từ đất đai trong 11 tháng đầu năm đạt 118,8% kế hoạch. Những điều này đặt ra 2 khả năng. Một là, những việc đã phanh phui chỉ là tầng nổi của tảng băng chìm; hai là, chúng ta đang không biết cách ứng xử với nguồn tài sản rất lớn này của xã hội. Nghĩa là tất cả đều bắt nguồn chính từ sự thiếu chuẩn mực trong tư duy quản lý đất đai của Việt Nam.
Có thể chúng ta đã quá dễ dãi. Chiếc áo thành tích tăng trưởng GDP hay cuộc đua trở thành nền sản xuất công nghiệp đã khiến dọc chiều dài đất nước xuất hiện biển hiệu của các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Theo số liệu năm 2015, mỗi năm, 34.000ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích. Tiếc là sự thiệt thòi của người dân không được bù đắp bằng sự phát triển của địa phương, bởi theo tính toán tại thời điểm năm 2015, chỉ khoảng 10-15% đất khu công nghiệp được lấp đầy. Sự xuất hiện của một đại dự án bất động sản ở Bình Dương, trên khu đất tiền thân thuộc Khu Công nghiệp Sóng Thần 3 chứng tỏ tình hình chưa có nhiều đổi khác. Những lời hứa ngọt bay theo gió, còn người nông dân phải gánh chịu mọi hệ lụy từ việc tự nguyện từ bỏ phương tiện sản xuất, tin theo ước vọng nhảy vọt về kinh tế của địa phương.
Đáng nói hơn khi ưu ái về đất đai của chúng ta lại dành chủ yếu cho... người ngoài. Sự bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai so với doanh nghiệp FDI, đối tượng được thừa hưởng quyền sử dụng đất từ trước, được giao thuê đất, giao đất vị trí thuận lợi theo nghiên cứu năm 2014 của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia là điều mà doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chấp nhận.
Đáng nói hơn, giấc mơ thu hút các đại gia FDI đã là điểm xuất phát cho nhiều kế hoạch xin dự án cả trăm, cả ngàn tỉ đồng làm đường, cảng biển... phục vụ việc xuất khẩu của các đại gia này. Rõ ràng, chúng ta đã bỏ ra quá nhiều để đổi lại chỉ một vài thống kê đẹp về thành tích xuất khẩu.
Trong khi đó, đối với số ít doanh nghiệp trong nước gặp thuận lợi trong tiếp cận đất đai, tài nguyên này cũng không biến thành một nguồn lực đúng nghĩa. Họ tận dụng đất đai như một loại hình bất động sản mua đi bán lại. Chiêu bài bảo vệ nhà đầu tư được sử dụng trong các đề xuất cấp quyền sở hữu cho condotel, officetel hay dự định để địa phương tự quy hoạch sân golf càng làm dấy lên mối lo về việc hoang phí nguồn lực đất đai.
Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại, thẳng thắn: “Quan niệm, nhận thức phải thay đổi, từ đó đưa ra các chính sách rõ ràng cụ thể, quản lý từng tấc đất một. Không thể tiếp tục để nguồn lực lớn của đất nước bị lấn chiếm, xâm hại”.
Chắc chắn, những tiếng nói tâm huyết như vậy sẽ phải được lắng nghe. Qua đó, phân bổ nguồn lực và lợi ích từ đất đai hợp lý hơn để hướng về mục tiêu tạo động lực cho phát triển chung.