|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH nêu vấn đề về việc giá vé máy bay tăng nhưng doanh nghiệp lại báo lỗ

16:35 | 18/03/2024
Chia sẻ
Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An có một nghịch lý, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhà nước là "càng tăng giá thì doanh nghiệp lại càng lỗ". Hiện chi phí của Vietnam Airlines đang quá cao ảnh hưởng đến chi phí chứ không hẳn là cung cầu hay nhiên liệu. Còn với giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không xuống mà EVN thì vẫn lỗ…

Câu chuyện điều hành giá khi một số mặt hàng như giá vé máy bay hay giá điện tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn báo lỗ được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 18/3.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

 

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng việc điều hành giá của một số mặt hàng như vé máy bay hoặc giá điện. Liên quan đến việc giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, đại biểu An cho rằng không hẳn do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu…

Đại biểu cho biết các quy định về quản lý giá đã có nhưng có một nghịch lý nhất là các doanh nghiệp Nhà nước là càng tăng giá thì doanh nghiệp lại càng lỗ. Câu chuyện đặt ra cần giải được bài toán này. Xác định giá phải xác định được đầu vào, đầu ra và các chi phí. 

"Hiện chi phí của Vietnam Airlines đang quá cao ảnh hưởng đến chi phí chứ không hẳn là cung cầu hay nhiên liệu. Còn với giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không xuống mà EVN thì vẫn lỗ…”, đại biểu An nêu rõ.

Theo đại biểu, việc tính giá trên cơ sở quy định pháp luật đang có vấn đề chưa ổn.

"Chúng ta đã tính đúng, tính đủ công khai, minh bạch hay chưa? Trên vai trò là Bộ quản lý ngành cần sự rà soát và có thể là thanh tra, kiểm tra để vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích của người dân làm sao giá phải sát, đúng, đủ".

 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tranh luận về nội dung giá vé máy bay, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng đúng là cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như Nghị quyết 43 của Quốc hội nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu để phát triển.

Với nội dung vé máy bay tăng cao nhưng hoạt động của các hãng hàng không vẫn lỗ, đại biểu cho rằng trong hoạt động kinh doanh không phải lúc nào cũng tăng giá vé để đạt doanh thu cao mà phải tìm cách đạt doanh thu tối ưu, căn cứ vào lượng cung, cầu của thị trường.

"Có thể giá giảm nhưng số lượng tăng lên thì doanh thu cũng tăng" Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu vấn đề và đề nghị Bộ trưởng cân nhắc nội dung này. 

Đại biểu cho rằng hàng không là nội dung do Bộ Giao thông vận tải quản lý nhưng Bộ Tài chính với chức năng quản lý ngành cũng cần phối hợp, tham mưu bởi những vấn đề về giá cả có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, giá vé máy bay hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện kinh doanh dịch vụ bay đang thực hiện đúng quy định về giá máy bay. Trong khung giá vé máy bay do Bộ Giao thông vận tải ban hành, có 15 mức, hiện các doanh nghiệp đang điều hành trong khung giá này, chưa vượt ngoài khung.

Một số quốc gia đã thực hiện bỏ giá trần để doanh nghiệp tự quyết định theo cung cầu thị trường. Hiện Luật Giá vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay, khung trần đó do Bộ Giao thông vận tải quy định. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay hiện nay đang thực hiện đúng theo khung quy định, không vi phạm quy định của pháp luật về giá.  

Trong 4 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch, các chuyến bay ngưng trệ, lượng khách nội địa và nước ngoài đều hạn chế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống hàng không.

Năm nay kinh tế suy giảm nên nhu cầu sử dụng dịch vụ của cả khách nội địa và quốc tế đều hạn chế. Như trước, khách du lịch Nhật Bản hay Nga rất nhiều nhưng hiện nay do vấn đề xung đột Nga - Ukraine hay đồng Yên Nhật giảm giá trị dẫn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam rất ít.

Có thể nói, kinh tế suy giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống hàng không. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm chi phí đầu vào, tái cơ cấu dịch vụ hàng không.

Hiện chỉ có Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước còn lại các hãng hàng không khác đều là doanh nghiệp tư nhân. Bộ trưởng cho rằng vấn đề quản trị và hạ giá thành là vấn đề doanh nghiệp tư nhân quan tâm hơn ai hết.

Với Vietnam Airlines, hiện nay Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải cũng rất quan tâm, Bộ Tài chính cũng đã có các yêu cầu tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, đảm bảo được kinh doanh có hiệu quả nhưng do khó khăn khách quan nên vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.