Hạn chế qui mô hãng hàng không là 'kìm hãm phát triển đất nước, đi ngược lại hiến pháp'
Từ chuyện Bamboo Airways muốn mở rộng đội tàu bay nhưng chưa được phép
Phát biểu tại buổi Tọa đàm Xây dựng môi trường cạnh tranh của ngành hàng không do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 16/5, ông Đặng Tất Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc Tập đoàn FLC) đã chia sẻ những khó khăn mà hãng hàng không "sinh sau đẻ muộn" này gặp phải:
"Bamboo Airways đã trải qua quá trình xin phép thành lập có lẽ kéo dài nhất từ trước đến nay. Chúng tôi phải làm theo cả Luật Đầu tư 2014 và theo Nghị định 92 của Chính phủ về ngành hàng không. Trước năm 2014, muốn thành lập hãng hàng không chỉ cần thực hiện theo nghị định của Chính phủ là đủ, như vậy số lượng thủ tục để thành lập Bamboo Airways nhiều gấp đôi so với trước. Đó là sự khác biệt hoàn toàn trong quá trình hình thành".
Ông Đặng Tất Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Bamboo Airways tại buổi Tọa đàm chiều 16/5. Video: báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
Sau khi thành lập, Bamboo Airways muốn mở rộng hoạt động nhưng tiếp tục gặp một số vướng mắc: "Hiện nay chúng tôi đang có 10 máy bay, muốn nâng số máy bay lên 40 chiếc, chúng tôi lại phải trình lên Thủ tướng, "chạy qua một vòng" xin ý kiến các Bộ. Trong khi đó, việc cấp phép này hoàn toàn nằm trong năng lực của Cục Hàng không, hoặc cùng lắm là lên đến Bộ Giao thông Vận tải;" ông Thắng dẫn chứng và cho rằng đây là rào cản với doanh nghiệp.
"Do đó, doanh nghiệp mong muốn sự bình đẳng và thống nhất thể chế với các doanh nghiệp", ông Thắng đề xuất.
Tháng 4 vừa qua, Cục Hàng không đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT về kết quả thẩm định hồ sơ xin cấp lại Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không của Bamboo Airways. Nội dung thay đổi đáng chú ý và Cục còn băn khoăn là việc Bamboo Airways muốn nâng qui mô đội tàu bay lên 40 chiếc trong năm nay.
Cục Hàng không thấy cần xem xét một cách kĩ lưỡng, thấu đáo trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhu cầu thị trường, sự phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng hàng không cũng như từ khía cạnh năng lực của Bamboo Airways và thực tiễn việc đảm bảo giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không.
Cục cho biết mình chỉ đảm bảo quản lí được đến 256 tàu bay đăng kí quốc tịch Việt Nam (bao gồm cả các tàu bay trực thăng và tàu bay hàng không chung).
Kế hoạch mở rộng đội tàu bay của Bamboo Airways cùng với dự tính nhận tàu bay của các hãng hàng không khác tại Việt Nam, sẽ nâng tổng số tàu bay mang quốc tịch Việt Nam thời điểm 31/12/2019 lên 277 chiếc, tăng 61 chiếc so với hiện tại và vượt quá 21 chiếc so với năng lực giám sát của Cục Hàng không đã được phê duyệt.
Phi lí, kìm hãm phát triển, đi ngược lại hiến pháp
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương nhận thấy hoạt động đầu tư trong ngành hàng không còn nhiều điểm phi lí: "Vốn của doanh nghiệp, tiền của doanh nghiệp mang đi đầu tư tại sao phải xin phép? Cơ quan quản lí nhà nước trả lời rằng vì không có bãi đỗ, đường băng … nên phải hạn chế. Trả lời như vậy là vô trách nhiệm, vì xây hạ tầng sân bay là việc của nhà nước, Nhà nước phải làm để thúc đẩy ngành. Cá nhân tôi cho rằng nói như vậy là kìm hãm sự phát triển của ngành hàng không".
Đáng lẽ chúng ta phải giải quyết vấn đề hạ tầng chứ không thể lấy đó để đè nén, hạn chế sự phát triển của ngành hàng không, TS Cung nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương tại Tọa đàm chiều 16/5.
Ông Cung cho rằng, thay vì hạn chế sự mở rộng của các hãng hàng không, Nhà nước cũng như toàn xã hội cần phải tìm cách giải quyết vấn đề tồn tại, nâng cao năng lực hạ tầng.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội - Phó ban dân nguyện của Quốc hội, trước hết, Nhà nước nên xác định quan điểm rõ Nhà nước không đi kiếm tiền mà phải tạo ra môi trường cho doanh nghiệp kiếm tiền. Chính tư duy nhà nước làm tiền dẫn tới 12 dự án thua lỗ đang phải giải quyết.
Ông Lưu Bình Nhưỡng
Đại biểu Quốc hội
Cơ quan nhà nước không thể hạn chế doanh nghiệp vì chưa đủ năng lực quản lí. Đây là tư duy phản bội lại hiến pháp, phản bội sự phát triển của đất nước.
Xã hội phát triển, doanh nghiệp phát triển không phụ thuộc vào năng lực quản lí của Nhà nước. Cơ quan nhà nước luôn phải phúc đáp nhu cầu doanh nghiệp, không thể hạn chế doanh nghiệp vì chưa đủ năng lực quản lí. Đây là tư duy phản bội lại hiến pháp, phản bội sự phát triển của đất nước.