ĐBQH lo ngại nhiều địa phương không đủ tiền thực hiện chương trình phát triển văn hóa
Sáng 3/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát gồm: Xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; Nâng cao đời sống tinh thần, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển văn hóa; Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành về văn hóa; Phát huy tính đại chúng, khoa học của văn hóa; và Nâng cao vị thế của đất nước và hội nhập quốc tế về văn hóa.
Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 là 122.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%). Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%) và vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
“Tổng nguồn vốn này là phù hợp, đảm bảo khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch nêu rõ.
Tỷ lệ vốn đối ứng cao so với nhiều địa phương
Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhất trí mức bố trí vốn ngân sách trung ương cho Chương trình; Hội đồng thẩm định quốc gia xác nhận đây là mức có thể chấp nhận được, nằm trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, Ủy ban cơ bản nhất trí và đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực, bố trí đầy đủ trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.
Tuy vậy, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, ông Vinh cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, do chưa đến thời điểm để dự toán nguồn lực cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nên chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Chương trình.
“Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng căn cứ đề xuất tổng mức vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình, căn cứ phân bổ vốn hằng năm, tính toán kỹ lưỡng về khả năng thực hiện, giải ngân Chương trình để bảo đảm phù hợp với thực tiễn”, ông Vinh đề nghị.
Về ngân sách địa phương, ông Vinh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Do đó, Ủy ban đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.
“Cần đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí ngân vốn sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn”.
Đối với nguồn huy động hợp pháp khác, Ủy ban đề nghị làm rõ căn cứ và tính khả thi của việc xác định tổng nguồn vốn huy động hợp pháp thực hiện Chương trình, xác định rõ các nhiệm vụ, dự án có khả năng sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đồng thời, nghiên cứu quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước đối với khu vực tư nhân, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 sẽ được Quốc hội thảo luận ở tổ vào ngày 6/6 và thảo luận hội trường ngày 20/6, trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10.