|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: Cả xã hội thấy đó là những giao dịch không bình thường, vì sao vẫn vượt qua được cơ quan chức năng?

10:16 | 01/06/2022
Chia sẻ
Đại biểu nêu nhiều vấn đề với kinh tế Việt Nam, trong đó đáng chú ý đề cập đến một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản.

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 1/6, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề xuất cần làm rõ 5 vấn đề để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện tốt hơn, theo Báo Chính phủ.

Thứ nhất là vấn đề chậm giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 có quy mô gần 350.000 tỷ đồng. Theo Đại biểu, Nghị quyết được thảo luận và thông qua khẩn trương, nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm.

Vấn đề thứ hai được đề cập đến là giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.

 Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. (Ảnh: VGP).

Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85 %, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách Nhà nước không cần thiết, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất phí quản lý, do đó, vấn đề giải ngân chậm tiến độ, chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn. Việc tăng cường kiểm soát chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là việc làm cần thiết để các quyết sách của Nhà nước thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.

Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội cho rằng có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin.

Đại biểu cho biết, cử tri thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường.

Ngoài ra, các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, TP HCM, các tuyến đường cao tốc trục ngang lên vùng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, trung du miền núi phía bắc.

Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, cần khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thiết kế, dự kiến cân đối các nguồn lực nhà nước trong trung, dài hạn và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng giao thông hiện đại.

Thứ năm, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong cả nước có đường biên giới giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành cửa ngõ kết nối khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, khu vực Đông Bắc Thái Lan và Tây Nam Trung Quốc phát triển hành lang kinh tế Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, đại biểu đề nghị Chính phủ cho phép dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang được triển khai thực hiện trước năm 2030.

Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ quan tâm cho phép phân bổ số vốn còn lại trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 1.689 tỷ đồng di dân, tái định cư, ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La.

Anh Đào