Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 sắp diễn ra tại TP HCM
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng trong tình hình mới" sẽ diễn ra vào ngày 5/6 tới đây tại TP HCM, theo tin từ Báo Chính phủ.
Diễn đàn gồm ba hội thảo chuyên đề và một Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao. Ba hội thảo sẽ xoay quanh các vấn đề: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19; phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.
Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính có 4 nội dung chính gồm: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số để tạo mũi đột phá về khoa học và công nghệ; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục. Các số liệu vĩ mô 5 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy nhiều điểm sáng tích cực.
Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xu hướng tăng được ghi nhận trên 61/63 địa phương trên cả nước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 98.600 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 2.257 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD
Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước tăng cao cùng giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu khiến chỉ số CPI tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến nay. Cụ thể, CPI tháng 5 đã ghi nhận mức tăng 0,38% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và chỉ 1 nhóm hàng giảm giá.
Với mức tăng kể trên, tính từ cuối năm 2021 đến nay, CPI trong nước đã tăng tổng cộng 2,48%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cũng đã cao hơn 1,05 điểm %. Nếu so với tháng 5/2021, chỉ số CPI hiện tại cao hơn tới 2,86%.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020[1]; lạm phát cơ bản tăng 1,1%.