ĐBQH băn khoăn khi cho cấp xã kí thỏa thuận quốc tế
Sáng ngày 17/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là đề xuất mở rộng, giao quyền kí và thực hiện các thỏa thuận quốc tế tới UBND cấp xã, huyện.
Băn khoăn về qui mô mở rộng, theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) cho biết, luật qui định theo hướng mở rộng chủ thể được kí thỏa thuận quốc tế phù hợp với xu hướng đa dạng về nội dung, qui mô, cấp độ quản lí trong kí kết hợp tác quốc tế, nghĩa là cơ hội tốt trong việc mở rộng hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, ông Xuân cũng lo lắng không biết năng lực và sự am hiểu trong việc kí kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế đối với cấp UBND cấp huyện, nhất là cấp xã như thế nào, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm.
“Mặc dù Điều 23 của dự luật có qui định trình tự, thủ tục trước khi kí phải xin ý kiến cơ quan đối ngoại cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc kí thỏa thuận chỉ là một phần của thỏa thuận. Vấn đề triển khai và quản lí thực thi thỏa thuận cũng rất quan trọng, phải có năng lực mới làm tốt được công tác triển khai này. Vì thế, tôi đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc thêm qui định chủ thể này sao cho phù hợp”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với năng lực thẩm định, thực hiện các kí kết thỏa thuận quốc tế ở cấp xã.
Ông Phong cho hay, qui định về thủ tục làm sao để đảm bảo vừa thông thoáng nhưng chặt chẽ trong quản lí hoạt động hợp tác quốc tế của các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, cân nhắc xem xét qui định điều chỉnh thỏa thuận có liên quan đến viện trợ.
Dự thảo luật còn thiếu một số chủ thể được kí thỏa thuận quốc tế như tổ chức khoa học công nghệ, các quĩ xã hội, quĩ từ thiện, các hiệp hội ngành nghề… “Tôi thống nhất với nhiều đại biểu cho rằng cần phải cân nhắc để bảo đảm tính bao quát của qui định này”, đại biểu Đôn Tuấn Phong nói.
Nhiều đại biểu còn lo lắng khả năng xảy ra các tranh chấp và xử lí tranh chấp sau khi kí kết thỏa thuận quốc tế. Những tranh chấp này, bản thân các đơn vị có thẩm quyền cũng không dễ giải quyết, chưa nói đến cơ quan cấp xã. Nhất là Việt Nam hiện có khoảng 11.000 xã, với trên 600 huyện thì việc mở rộng chủ thể được kí kết hợp tác quốc tế đến cấp xã có thể là quá rộng.
Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho biết, khi cho kí nhiều quá, quá rộng quá sẽ có thể phát sinh nhiều vấn đề, hệ lụy và đặc biệt là tranh chấp, xung đột, kiện cáo.
“Ngay cả những cơ quan nhà nước lớn hay doanh nghiệp nhà nước lớn, cũng có khi có tranh chấp, mới bắt đầu động đến vấn đề phí luật sư tư vấn… Chuẩn bị kí kết là phải có luật sư tư vấn, nhưng đa số trường hợp mình không có luật sư tư vấn ở giai đoạn này, rồi khi có tranh chấp, có kiện ở nước ngoài, thì tiền đâu mà đi hầu kiện?
Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm sự chồng chéo hay xung đột của luật này với các luật khác”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/