|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bỏ qui định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

10:21 | 17/06/2020
Chia sẻ
Với đa số ý kiến ĐBQH tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua việc bỏ qui định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Sáng ngày 17/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). 

Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, cụ thể là 90,68%, Quốc hội chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Với 10 chương và 219 điều, Luật này qui định việc thành lập, tổ chức quản lí, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, qui định về nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Đối tượng áp dụng của Luật là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lí, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Chính thức không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). (Nguồn: Quochoi.vn).

Trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được thông qua, điểm đáng chú ý lần này là chính thức bỏ qui định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (Điều 199a). Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng kí và hoạt động đối với hộ kinh doanh. 

Về doanh nghiệp nhà nước, một số ý kiến cho rằng khái niệm doanh nghiệp nhà nước như tại dự thảo Luật (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) là chưa phù hợp. 

Khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi liên tục, không bảo đảm tính nhất quán, tác động đến cách thức quản lí của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lí với các doanh nghiệp khác.

Có ý kiến cho rằng, cổ phần chi phối là phải quyết định được những vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị doanh nghiệp nhà nước phải có cổ phần chi phối của Nhà nước đạt 65% thì mới là doanh nghiệp nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có qui định về tổ chức quản trị phù hợp.

Việc nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã bảo đảm quyền chi phối trực tiếp việc ra các quyết định thông thường (chỉ yêu cầu tỉ lệ trên 50%) và chi phối gián tiếp (phủ quyết) việc ra một số các quyết định khác (yêu cầu tỉ lệ 65%) của doanh nghiệp đó. Đồng thời, tỉ lệ này cũng phù hợp với với các cam kết, thông lệ quốc tế. 

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ qui định này như dự thảo Luật đã được hoàn thiện, chỉnh lí trình Quốc hội thông qua. 

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng qui định rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lí doanh nghiệp tại Việt Nam như: Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản Nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam cũng không được thành lập và quản lí doanh nghiệp, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lí phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lí tại doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, cán bộ lãnh đạo, quản lí nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lí hành chính… cũng trong diện không được lập và quản lí doanh nghiệp.


Mai Anh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.