Đề nghị vẫn tăng lương cho người nghỉ hưu, người có công từ ngày 1/7
Tại phiên thảo luận về kinh tế -xã hội của Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 15/6, đại biểu Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đề xuất của Chính phủ về việc chưa tăng lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội trong năm nay chưa thực sự phù hợp.
Theo ông Đinh Văn Nhã, với mỗi người dù thu nhập cao hay thấp nhưng mỗi khi nghe nói đến tăng lương thì ai cũng vui. Vì thế, khi Chính phủ đề xuất chưa tăng lương thì có thể nhiều người sẽ buồn.
“Nếu đặt mình trong vị thế, tâm thế của người hưởng lương hưu thì chúng ta đều hiểu rằng, những người nghỉ hưu, hưởng lương hưu, chưa nói đến người hưởng trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi là những người có thu nhập thấp trong xã hội. Vì vậy, Chính phủ nên xử lí đề xuất hoãn tăng lương một cách hợp tình, hợp lí hơn", ông Nhã nói.
Theo đó, đại biểu Đinh Văn Nhã đề xuất Chính phủ nên phân làm hai nhóm đối tượng. Đối tượng thứ nhất là đối với người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng vẫn cần tăng lương theo lộ trình từ 1/7, theo Nghị quyết Quốc hội.
Trường hợp đối với người nghỉ hưu, nếu Chính phủ tính toán không cân đối đủ nguồn vốn, thì đề nghị áp dụng tăng lương hưu đối với người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về trước, bởi đây là nhóm người có thu nhập rất thấp.
Nhóm đối tượng thứ hai, theo ông Nhã, là các cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang làm việc. Đối với nhóm đối tượng này, theo đại biểu đoàn Phú Yên thống nhất với Chính phủ là tạm thời chưa tăng lương. Nhưng đến tháng 10/2020 nếu tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số 1, nghĩa là tăng trưởng 4,9% trở lên thì Chính phủ nên cân đối tăng lương từ 1/1/2021.
Đề cập về vấn đề chưa tăng lương cơ sở đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ các đại biểu Quốc hội trong hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách tại Quốc hội.
Theo đó, đồng quan điểm với đại biểu Đinh Văn Nhã, tại phiên thảo luận ngày 13/6, đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hòa Bình) cũng đề nghị thực hiện tăng lương theo lộ trình với người có công, đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí để đảm bảo an sinh xã hội.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, đề xuất hoãn tăng lương "chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ" vì về tâm lí, đa số người hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thật sự yên tâm về việc này. Trong khi lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của người dân, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương.
Theo bà Xuân, giải pháp căn cơ lúc này là phải thực sự tiết kiệm trong chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư công phải có trọng điểm, hiệu quả và đặc biệt, phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhận định, việc hoãn tăng lương là quyết định tác động tới hàng triệu người. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này, báo cáo rõ việc hoãn tăng lương kéo dài bao lâu và nguồn lực có được sẽ được dùng vào việc gì để đại biểu Quốc hội cũng như người dân biết, chia sẻ và ủng hộ.
"Phải xem nguồn lực có được này là sự hi sinh, đóng góp có trách nhiệm của những người hưởng lương với quốc gia, với dân tộc, rất đáng được ghi nhận, nhưng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Trường hợp cân đối được nguồn lực thì Chính phủ cần xem xét tăng lương bởi đây cũng chính là chính sách an sinh xã hội”, ông Thắng nói.
Trước đó, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc lùi thời gian tăng lương cơ sở từ 1/7 (dự kiến tăng 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng) để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về vấn đề này, theo đó chưa tăng lương từ 1/7/2020.