|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dạy và học online: Vẫn còn trở ngại, cần đầu tư dài hạn

07:12 | 29/04/2020
Chia sẻ
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngành giáo dục đã thúc đẩy các giải pháp cần thiết như tinh giản chương trình, dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Trong xu hướng này, các trường tư thục đang đẩy nhanh đưa việc dạy và học lên "đám mây", tuy nhiên vẫn còn nhiều trở ngại nhất định và đòi hỏi sự đầu tư dài hạn.

Trong thời điểm hiện tại, tinh giản chương trình, đẩy mạnh dạy học trực tuyến và qua truyền hình là một trong những chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các địa phương, nhà trường, học sinh chủ động thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo kế hoạch năm học đã điều chỉnh.

Dạy và học online: Vẫn còn trở ngại, cần đầu tư dài hạn - Ảnh 1.

Một tiết học online tại hệ thống trường Trường Mầm non Quốc Tế Sài Gòn Academy. Nguồn: NHG.

Chạy đua mở lớp online

Theo thống kê, khối giáo dục ngoài công lập toàn quốc hiện có gần 2 triệu học sinh. Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều trường học đóng cửa, nhưng một số cơ sở giáo dục thích nghi và ứng phó bằng cách đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trực tuyến.

Chẳng hạn như Alpha School, hệ thống trường phổ thông tư thục ở Hà Nội, đang có nhu cầu tuyển thêm giáo viên giữa mùa dịch. “Hoạt động bị cắt giảm trong những tháng gần đây phần lớn nằm ở bộ phận hành chính, văn phòng và phụ trợ, nhưng trường lại tuyển thêm 5-10 giáo viên mới để hỗ trợ các lớp học. Phải tăng cường thêm giáo viên vì việc dạy học trực tuyến sẽ vất vả hơn, phải đủ giáo viên để đáp ứng yêu cầu theo dõi chất lượng dạy học và hỗ trợ các lớp”, ông Nguyễn Sĩ Thư, Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết.

Một tổ chức giáo dục khác cũng tỏ ra hào hứng đối với dạy học trực tuyến là Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG), sở hữu nhiều thương hiệu trường học khác nhau trải rộng từ mầm non lên đến đại học, với 50 cơ sở trên 18 tỉnh thành. “Dạy học trực tuyến với nền tảng kỹ thuật có khả năng tương tác nhiều chiều là lựa chọn tối ưu cho hoàn cảnh này”, TS. Đỗ Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc NHG, chia sẻ.

Đại diện NHG gọi đây là các “lớp học số” dựa trên các ứng dụng nền tảng (Microsoft Office 365 Teams, Quizizz,….). Theo đó, mỗi một giáo viên trong hệ thống NHG được cấp 1 tài khoản Microsoft Office 365 để sử dụng trong công việc chuyên môn, trong giảng dạy hằng ngày. Còn học sinh có thể học từ xa thông qua việc trao đổi sách vở, bài giảng, giao bài tập, chấm điểm, làm bài kiểm tra, học và làm bài tập trực tuyến, tương tác bằng cách livestream hoặc tương tác theo thời gian thực tế.

Thực tế, tùy theo cấp học mà có sự khác biệt về mức độ tự giác, năng lực kiểm soát bản thân, kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, kỹ năng học tập (ghi chép bài, đặt câu hỏi, thảo luận trao đổi) khác nhau, nên việc tổ chức dạy học và dạy học cũng khác nhau.

Chẳng hạn, với bậc mầm non thì chủ yếu cần sự tương tác của thầy cô và hỗ trợ của phụ huynh, với chủ trương chơi nhiều hơn học. Ngược lại, các bậc lớn hơn thì vẫn phải học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng các trường tăng cường sự tương tác nhiều hơn trong các lớp học online.

Dạy và học online: Vẫn còn trở ngại, cần đầu tư dài hạn - Ảnh 2.

Cấp mầm non và tiểu học cần sự tương tác theo hướng chơi nhiều hơn học. Hình: Alpha School.

“Vật lộn” với máy tính và giáo trình

Học trực tuyến là giải pháp được nhiều trường lựa chọn khi học sinh không đến lớp, nhằm đảm bảo phần nào tiến độ học tập trong mùa dịch Covid-19. Dù vậy, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa công cụ hỗ trợ học tập trực tuyến như giao tiếp hay giao đề tài, và một nền tảng học trực tuyến đúng nghĩa.

Thực tế, việc xây dựng và phát triển một khóa học hoặc chương trình trực tuyến có chất lượng có thể mất nhiều năm để lên giáo án, đào tạo giáo viên, hạ tầng công nghệ và phù hợp với học viên. Do chưa có sự chuẩn bị về hệ thống dạy học trực tuyến từ cả phía nhà trường, phụ huynh và học sinh nên tính hiệu quả vẫn chưa thể so sánh với một lớp học truyền thống.

Khoảng 50% đại học triển khai đào tạo trực tuyến

Tính đến ngày 13-4, có khoảng 110/240 trường đại học tại Việt Nam đã triển khai hình thức đào tạo trực tuyến, theo số liệu thống kê của vụ Giáo dục đại học thuộc bộ Giáo dục Đào tạo.

Cụ thể, 110 trường này bao gồm 63 trường công lập (khoảng 43% tổng số trường công lập), 42 trường ngoài công lập (khoảng 70% tổng số trường ngoài công lập) và 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài (100% trường có vốn nước ngoài).

Còn lại 104 trường chưa đào tạo trực tuyến, gồm 86 trường công lập (57% trường công lập) và 18 trường ngoài công lập (30% trường ngoài công lập). Ngoài ra, 33 trường khối an ninh – quốc phòng đều học tập trung, không đào tạo trực tuyến.

Xét về tổng thể, trên toàn quốc có 45% cơ sở giáo dục đại học thực hiện đào tạo trực tuyến; 42% chưa thực hiện và 13% vẫn đào tạo tập trung (khối an ninh quốc phòng).

“Giáo dục trực tuyến vẫn còn rất mới mẻ với cả giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh”, TS. Đỗ Mạnh Cường của NHG nhận định. Phía nhà trường thì băn khoăn về nền tảng dạy học và tương tác, giáo trình học và chơi, trong khi đó, nhiều phụ huynh chưa quen sử dụng máy tính, công nghệ hay thậm chí là không có điều kiện để mua máy tính, điện thoại thông minh.

Tính tương tác kém hơn cũng dễ khiến cho học sinh mất sự tập trung, thậm chí là mất hứng thú học tập. Hình thức và phương pháp dạy học mới đều đòi hỏi đội ngũ giáo viên sở hữu nhiều kỹ năng hơn về công nghệ thông tin, cách truyền tải kiến thức và sự sáng tạo trong nội dung giảng dạy.

Nền tảng của một hệ thống online cũng đặc biệt quan trọng. Tùy vào khả năng đầu tư mà mỗi cơ sở giáo dục hình thành năng lực đào tạo khác nhau, đáp ứng giáo trình và trải nghiệm khác nhau đối với việc dạy và học trực tuyến.

Chẳng hạn, ở một trường tư thục quốc tế ở quận 7, TPHCM, trước khi đưa vào dạy online thì trường đã có hệ thống “trường ảo” nhằm hỗ trợ kênh giao tiếp với phụ huynh và học sinh từ sớm, nên việc chuyển đổi từ dạy trực tiếp sang gián tiếp là khá dễ dàng, dù hiệu quả của giải pháp này mang lại không thể đạt mức 100% so với các hình thức dạy học tương tác trực tiếp.

Đại diện NHG cũng cho biết, để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống cả về tổ chức, dạy học, quản lý dạy học, thì việc sử dụng cùng một nền tảng kỹ thuật là điều cần thiết. Nền tảng mà NHG lựa chọn là bộ Office 365 với ứng dụng dạy học MS-Teams (của Microsoft).

Vấn đề về hạ tầng công nghệ thông tin cũng đồng thời là điểm nghẽn mà Việt Nam nhìn chung đang phải đối mặt. Học online ở TPHCM hay Hà Nội thì rất dễ dàng, nhưng về các địa phương vùng ven thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. “Có nhiều nơi đường truyền mạng còn kém dẫn đến trục trặc khi sử dụng. Để khắc phục, trường phải gửi bài trực tiếp và quay video gửi lại bài cho các em xem lại”, đại diện NHG chia sẻ.

Dạy và học online: Vẫn còn trở ngại, cần đầu tư dài hạn - Ảnh 4.

Giáo dục trực tuyến đang được xem là thị trường tiềm năng đối với các nhà cung ứng giải pháp công nghệ trong nước. Ảnh minh họa chuyên gia của VNPT đang giới thiệu về giải pháp E-learning đến giáo viên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sĩ Thư, Alpha School cũng lưu ý đến việc dạy học trực tuyến thì các nhà trường quan tâm đến cảm xúc của học sinh nhiều hơn. Nếu như việc dạy “offline” trực tiếp tác động đến cảm xúc thì trong “online”, khả năng quan sát của giáo viên đối với học trò là rất hạn chế, vì nhìn qua camera.

Để giải quyết vấn đề này, không những cần sự hợp tác từ phía phụ huynh, bản thân giáo viên cũng phải chuẩn bị tài liệu, cách dạy cũng phải khác, vì học sinh không thể nhìn vào màn hình liên tục, phải chia ra để tương tác thường xuyên hơn. “Trong một thời gian dài nghỉ học, thói quen tích cực của trẻ sẽ bị giảm đi ít nhiều. Cả nhà trường và cha mẹ đều lo lắng đến câu chuyện này, nên vấn đề cuối cùng vẫn là việc làm sao cho đứa trẻ tiến bộ lên. Sẽ có rất nhiều cách để tác động tới đứa trẻ nếu chúng ta chịu khó tìm tòi”, ông Thư chia sẻ.

Theo NHG, có ít nhất 80% học sinh các trường trong hệ thống tham gia đầy đủ các buổi học trực tuyến, còn đánh giá của các thầy cô trong hệ thống là học sinh nắm được bài tương đối tốt. Tuy nhiên, NHG dự tính sẽ duy trì hình thức học trực tuyến cho đến khi hết dịch và học sinh đi học bình thường, còn hình thức giao tiếp trực tuyến thì vẫn được sử dụng để giúp học trò ôn bài tại nhà và kết nối với phụ huynh.

“Chúng ta có thể thấy ngay tính hiệu quả của việc học trực tuyến, như tạo ra môi trường cho các em chuẩn bị trước tài liệu, thảo luận nhóm không cần đến trường, hay họp phụ huynh cũng vậy. Tuy nhiên, áp dụng việc học trực tuyến sau đợt khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử này thì cần phải có sự đánh giá lại, theo hướng cái gì tốt cho học sinh thì giữ lại”, ông Nguyễn Sĩ Thư của Alpha School cho biết.

Tính pháp lý của việc dạy học trực tuyến

Một trong những mong muốn của nhóm các trường tư thục là được công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến, đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy.

Tính pháp lý của các chương trình đối với cấp phổ thông là rất quan trọng, đặc biệt là những học sinh năm cuối cấp, chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng nhưng vẫn phải theo dõi liên tục quy định mới của cơ quan quản lý.

Điểm tích cực là trong mùa dịch hiện nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã mạnh dạn khuyến khích các Sở ngành tại địa phương sớm công nhận hình thức dạy học online. Bộ cũng ban hành công văn hướng dẫn về dạy học qua internet, trên truyền hình và nhiều địa phương đã tích cực triển khai trong thời gian qua.

Để chuẩn bị cho những diễn biến mới về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học trong giai đoạn tới, trong đó có tính tới phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường học.

Thận trọng với mặt trái của giáo dục qua Internet

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet. Rất nhiều mặt trái đang dần được bộc lộ như kẻ xấu xâm nhập lớp học, đăng tải nội dung phản cảm, chương trình độc hại, có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em.

Một chuyên gia giáo dục nhìn nhận môi trường học tập qua internet buộc phụ huynh và nhà trường đề phòng và quan tâm nhiều hơn vào quá trình học tập và vui chơi của học sinh.

Dũng Nguyễn