Đầu tư Tài chính Hoàng Minh đã thoái hết vốn tại Cam Lâm, ghi nhận lãi đột biến trong quý III
CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (Mã: KPF) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng đột biến nhờ hoạt động tài chính.
Báo cáo tài chính quý III/2022 của doanh nghiệp cho thấy, hoạt động kinh doanh chính không ghi nhận doanh thu. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ khi đạt hơn 27 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ gần 5,5 tỷ đồng), qua đó giúp lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cao gấp 7,8 lần cùng kỳ lên hơn 26 tỷ đồng.
KPF cho biết doanh nghiệp đã chuyển nhượng 44% vốn góp tại công ty liên kết là Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm trong quý. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy KPF lãi 19,8 tỷ đồng từ chuyển nhượng vốn trong quý (cùng kỳ ghi nhận 2,5 tỷ đồng).
Ngoài ra, một số yếu tố như lãi tiền gửi, cho vay của doanh nghiệp tăng 143% so với cùng kỳ lên gần 7,3 tỷ đồng và giảm chi cho các dịch vụ mua ngoài cũng góp phần gia tăng lợi nhuận của KPF so với cùng thời điểm năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, KPF ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 82,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 73,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 143% và 52,4% so với 9 tháng đầu năm 2021.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản KPF ghi nhận hơn 800 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 78% lên gần 656 tỷ đồng.
Kể từ quý II, doanh nghiệp đầu tư hơn 159 tỷ đồng vào trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu và CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Son. Các trái phiếu này được phát hành vào tháng 12/2021, có cùng kỳ hạn 36 tháng và lãi suất 11,5% mỗi năm. Bên cạnh đó, KPF ghi nhận thêm khoản phải thu 85,8 tỷ đồng của ông Lê Thanh Bình, cựu Chủ tịch HĐQT.
Tài sản dài hạn của KPF giảm 60% về hơn 144 tỷ đồng vào cuối quý III do không còn ghi nhận khoản đầu tư tại Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm.KPF nhận chuyển nhượng và trở thành công ty mẹ của công ty Cam Lâm - chủ đầu tư dự án Cam ranh Bay Hotel & Resort (thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam ranh, tỉnh Khánh Hòa) -vào năm 2018.
Từ ĐHĐCĐ thường niên 2021, HĐQT KPF đã trình và được các cổ đông thông qua phương án thoái bớt vốn tại công ty Cam Lâm để tập trung nguồn lực vào các khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn. KPF còn phải thu gần 100 tỷ đồng từ công ty Cam Lâm, bao gồm phải thu cho vay gần 92 tỷ đồng.
Trước đó trong quý II, KPF đã giảm giá trị đầu tư tại CTCP TTC Deluxe Sài Gòn từ 294 tỷ đồng xuống 144 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 48%) và đây là công ty liên kết duy nhất của KPF, tính đến cuối tháng 9.
Năm 2021, KPF đã dùng một phần vốn thu được từ chào bán cổ phiếu để mua 98% cổ phần chi phối tại TTC Deluxe Sài Gòn - đơn vị vận hành và kinh doanh Khách sạn TTC - Deluxe Sài Gòn (20-22-24 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1) - nhằm có nguồn thu ổn định từ hoạt động cho thuê văn phòng và kinh doanh thương mại. KPF từng đề cập đến kế hoạch IPO TTC Deluxe Sài Gòn trong năm nay.