|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đầu tư cổ phiếu ngành nào nếu lạm phát tăng cao?

16:12 | 21/06/2021
Chia sẻ
Với giả định lạm phát tăng cao, một số cơ hội đầu tư liên quan đến các nhóm ngành gồm dầu khí, kim loại, thép, hóa chất, ngân hàng, bảo hiểm và nhu yếu phẩm (nông nghiệp, thủy sản).

Mới đây, bộ phận phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco) đưa ra những đánh giá về tác động của lạm phát lên thị trường chứng khoán. Theo các nhà phân tích của công ty chứng khoán này, trong môi trường lạm phát cao sẽ có ba nhóm cổ phiếu hưởng lợi gồm (1) nhóm hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa, (2) nhóm cổ phiếu giá trị và (3) nhóm cổ phiếu đầu ngành có khả năng đàm phán giá tốt.

Nhóm hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa

Theo nghiên cứu của Bloomberg, khi lạm phát leo thang thì giá hàng hóa thường tăng mạnh, đặc biệt nhạy cảm như giá dầu, giá kim loại hoặc giá các mặt hàng nông nghiệp. 

Trong khi việc đầu tư chỉ số giá hàng hóa quốc tế chưa phù hợp trong bối cảnh hiện tại đối với đại đa số nhà đầu tư, thì việc đầu tư vào các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kỳ vọng tăng giá trong môi trường lạm phát là hợp lý. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Goldman Sachs về tương quan độ nhạy giữa điểm hòa vốn của cổ phiếu các ngành (so với chỉ số lạm phát) và hiệu quả lợi nhuận chỉ ra, các ngành “outperform” có thể đầu tư bao gồm: Năng lượng & Công nghiệp, Ngân hàng & Bảo hiểm, Nhu yếu phẩm.

Nhóm cổ phiếu giá trị

Nhóm này thường có tỷ suất cao hơn nhóm cổ phiếu tăng trưởng trong môi trường lạm phát cao. Các cổ phiếu tăng trưởng có kỳ vọng lợi nhuận tăng mạnh trong tương lai, do vậy các chỉ số định giá như P/E với nhóm này thường rất cao. 

Định giá nhóm cổ phiếu này thường rất nhạy cảm khi thay đổi lãi suất chiết khấu, điều mà sẽ tăng lên khi lạm phát tăng. Thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều giai đoạn khi lạm phát tăng, nhóm cổ phiếu tăng trưởng lao dốc và gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. 

Nhà đầu tư có thể lựa chọn những cổ phiếu có kết quả kinh doanh hàng năm ổn định, dòng tiền đều đặn, định giá không quá cao, sẽ là công cụ phòng chống rủi ro phù hợp.

Nhóm cổ phiếu đầu ngành có khả năng đàm phán giá tốt

Thông thường trong chu kỳ tăng giá lạm phát, giá đầu vào và đầu ra đều có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên hưởng lợi từ đà tăng này thường đến từ các doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế khi đàm phán giá. Điều này giúp doanh nghiệp có thể tối thiểu hóa mức tăng của giá đầu vào, trong khi có thể dễ dàng truyền tải mức tăng giá đầu ra với khách hàng. 

Qua mỗi chu kỳ kinh tế, lạm phát có lúc cao có lúc thấp, tuy nhiên xu thế cho thấy các doanh nghiệp đầu ngành thường sẽ chiếm lĩnh thêm thị phần sau mỗi đợt kinh tế khủng hoảng, suy thoái và phát triển mạnh mẽ hơn.

Các cơ hội đầu tư trên TTCK Việt Nam

Dựa trên quan điểm trên, bộ phận phân tích của Chứng khoán Agribank đưa ra những ý tưởng đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam gồm ngành dầu khí, kim loại, thép, hóa chất, ngân hàng, bảo hiểm và nhu yếu phẩm (nông nghiệp, thủy sản).

Với nhóm dầu khí, công ty chứng khoán này khuyến nghị dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất, nền kinh tế bước vào giai đoạn đầu phục hồi, khiến nhu cầu cũng hồi phục từ đáy và giá dầu, giá khí được dự báo bước vào chu kỳ siêu sóng. Thứ hai, trong thời kỳ lạm phát, các doanh nghiệp dầu khí đánh bại chỉ số lạm phát tới 71% và đem lại lợi nhuận hàng năm trung bình lên tới 9%.

Đầu tư cổ phiếu ngành nào nếu lạm phát tăng cao? - Ảnh 1.

Giá đầu tăng gấp đôi trong hơn một năm trở lại đây, hiện đã vượt mốc 70 USD/thùng. Nguồn: Investing.com

Nhóm ngành thép duy trì cơ hội ngắn và trung hạn dựa trên hai khía cạnh. Giá thép vẫn đang ở mặt bằng giá cao trong quý II và III. Thứ hai, kể cả khi sóng giá thép đi qua nhu cầu thị trường vẫn ổn định với các dự án đầu tư công và xây dựng. Ngoài ra, giá hàng hóa tăng cũng mang tính lan tỏa, Kim loại Đồng, Hóa chất cũng là nhóm ngành có cầu hưởng lợi.

Trong bối cảnh lạm phát cao, nhìn chung lãi suất đâu ra của các ngân hàng sẽ tăng trong khi lãi suất đầu vào sẽ tăng chậm hơn ở một số ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank, MBB, Vietcombank giúp NIM ở các ngân hàng này mở rộng. 

Cùng với việc quy mô tín dụng không bị ảnh hưởng quá nhiều, trong môi trường lạm phát cao thì những ngân hàng kể trên được dự báo sẽ là những ngân hàng có lợi.

Tại ngành bảo hiểm, với đặc điểm tài sản chủ yếu là tiền gửi và trái phiếu, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm có tương quan cao với lãi suất, nên trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng, thu nhập của các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng sẽ ghi nhận tích cực.

Cuối cùng, với cổ phiếu nông nghiệp, thực phẩm, đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao – cũng là nhóm ngành nên đầu tư trong giai đoạn lạm phát.  Chi phí đầu vào của doanh nghiệp các ngành này (chủ yếu là nhân công) thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì thế biên lợi nhuận của ngành này sẽ được tăng đáng kể. Agriseco Research cũng lựa chọn các doanh nghiệp sở hữu chuỗi chu trình sản xuất khép kín, giúp kiểm soát tốt hơn nữa về mặt chi phí

Hoàng Linh