|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đấu thầu lại gạo dự trữ: Nhiều nhà thầu bị loại thẳng cánh

10:15 | 17/05/2020
Chia sẻ
Tại đợt đấu thầu lại gạo dự trữ ngày 12/5 vừa qua, cả nước có 238 gói thầu được mở để mua đủ 182.300 tấn gạo. Tuy nhiên, hàng loạt nhà thầu đã bị loại vì không nộp bảo lãnh dự thầu, không đáp ứng về hồ sơ năng lực, kĩ thuật.

Yêu cầu chặt hơn về chất lượng gạo

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong đợt tổ chức đấu thầu lại mua gạo dự trữ quốc gia (DTQG) ngày 12/5 vừa qua, toàn quốc có 238 gói thầu được đồng loạt mở thầu.

Không để lặp lại việc 24 nhà thầu trúng thầu đợt 1 từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo, lần này trong hồ sơ mời thầu (HSMT), Tổng cục dự trữ nhà nước (DTNN) đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực nâng mức bảo lãnh dự thầu lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu, bằng mức tối đa pháp luật đã qui định.

Thậm chí một số cục còn đưa ra ràng buộc cao hơn. Chẳng hạn, tại Cục DTNN khu vực Tây Nam Bộ, chủ đầu tư đã điều chỉnh giá trị đảm bảo thực hiện hợp đồng đối với gói thầu có giá trên 10 tỷ đồng phải bằng 5% giá hợp đồng; đối với gói thầu có giá không quá 10 tỷ đồng, giá trị đảm bảo thực hiện hợp đồng bằng 3% giá trị hợp đồng.

Đồng thời, cục này có quy định ràng buộc thêm: “Trường hợp hết thời hạn giao hàng mà nhà thầu vẫn chưa giao đủ số lượng đã nêu trong hợp đồng và không tiếp tục thực hiện hợp đồng thì nhà thầu bị phạt bằng 5% trên giá trị hàng giao thiếu. Tổng mức phạt tối đa là 5% trên giá trị hàng giao chậm”.

Đáng chú ý, trong hồ sơ mời thầu (HSMT), tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, chất lượng của gạo cung cấp lại được chủ đầu tư “siết” mạnh hơn so với trước để tăng chất lượng gạo.

Cụ thể, gạo phải được sản xuất trong vụ Đông Xuân năm 2020, loại hạt dài, với các yêu cầu chi tiết về cảm quan như màu sắc, mùi vị, tạp chất, đánh bóng, sinh vật hại, chỉ tiêu chất lượng... Bên cạnh đó còn một số yêu cầu về tiêu chuẩn đặc thù của gạo nhập kho như: độ ẩm 14%, tiêu chuẩn về dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật, giới hạn tối đa độc tố vi nấm cho phép…

Nhiều nhà thầu bị loại vì không nộp bảo lãnh

Ngày 14/5, Cục DTNN khu vực TP.HCM đã tổ chức mở hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) 7 gói thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG năm 2020 khu vực TP.HCM. Thông tin tại buổi mở thầu cho thấy, tại 3 gói thầu số 1, 2 và 3, tất cả các nhà thầu tham dự đều vượt qua bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) với số điểm 980 điểm.

Tuy nhiên, tại các gói thầu số 4, 5 và 6, có một số nhà thầu không vượt qua bước đánh giá HSĐXKT do không cung cấp bảo lãnh dự thầu.

Ngoài ra, biên bản mở HSĐXTC của 7 gói thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG trên cho thấy, tất cả các nhà thầu đều không có thư giảm giá kèm theo, một số nhà thầu vẫn có giá dự thầu vượt giá gói thầu được phê duyệt.

Cụ thể, tại gói thầu số 1, 2, trong 4 nhà thầu tham dự đã chào vượt giá gói thầu (giá gói thầu là 11,603 tỷ đồng). Đó là Cty TNHH Xuất nhập khẩu Bình Minh Hai (NT Bình Minh Hai, giá dự thầu là 11,655 tỷ đồng), Cty CP Lương thực Hà Tĩnh (giá dự thầu là 11,865 tỷ đồng). Hai nhà thầu cùng chào một giá là Cty TNHH Kim Hằng (NT Kim Hằng) và Cty CP Tập đoàn Lộc Trời (NT Lộc Trời) với giá 11.602.500.000 đồng.

Tại gói thầu số 7 (giá gói thầu là 9.534.400.000 đồng), 1 trong 2 nhà thầu tham dự thầu là NT Đông Bắc chào vượt giá (giá dự thầu là 9.744.000.000 đồng).

Ghi nhận của Tiền Phong, tại buổi mở HSĐXTC 7 gói thầu nêu trên cũng cho thấy, tại một số gói thầu, sự cạnh tranh giữa các nhà thầu về cùng số điểm kỹ thuật và giá dự thầu là tương đương.

Cụ thể, tại Gói thầu số 1 và Gói số 3, có hai nhà thầu cùng bằng nhau về điểm kỹ thuật lẫn giá dự thầu là NT Kim Hằng và NT Lộc Trời (cùng 980 điểm kỹ thuật và giá dự thầu là 11.602.500.000 đồng). Tại Gói thầu số 2 câu chuyện tương tự xảy ra giữa hai nhà thầu Bình Minh Hai và Lộc Trời (980 điểm và 11.602.500.000 đồng).

Đại diện chủ đầu tư cho biết, trước tình huống này, chủ đầu tư sẽ xem xét theo ba hướng. Nếu sau quá trình đánh giá HSĐXTC của các nhà thầu cho thấy, điểm tổng hợp, xếp hạng các nhà thầu vẫn tương đương nhau, chủ đầu tư sẽ mời các nhà thầu đến cùng đàm phán, thương thảo. Trường hợp đàm phán không thành công sẽ tiến hành bốc thăm giữa các nhà thầu.

Cuối cùng, nếu cả hai hướng trên không thành công, sẽ yêu cầu các nhà thầu chào lại giá để có phương án cuối cùng. “Như vậy, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu vẫn đảm bảo tính công khai, cạnh tranh và hiệu quả như mong muốn”, đại diện Cục DTNN khu vực TP.HCM cho biết.

Được biết, sở dĩ gói thầu số 1, 2, 3 thu hút sự tham gia đông của các nhà thầu vì các gói thầu này cấp gạo cho chi cục DTNN Long An, thuận lợi vận chuyển hơn 4 gói thầu 4,5,6,7 cung cấp gạo cho chi cục DTNN Đồng Nai.

Ngày 14/5, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn cũng thông báo kết quả các gói thầu thuộc dự án mua 8.500 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2020. Theo thông báo của cục này, 2 nhà thầu có HSĐXKT không đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Cụ thể, tại 2 gói thầu số 1 và 2, nhà thầu là Cty TNHH lương thưc Hoàng Liên Sơn không đáp ứng về năng lực và kinh nghiệm vì hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự giá trị không bằng 50% tổng giá trị gói thầu mà nhà thầu tham dự. Nhà thầu này cũng không có báo cáo tài chính được kiểm toán.

Cũng ở gói thầu số 1 trên, nhà thầu là Cty cổ phần lương thực Sơn La không đạt mức điểm yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật chỉ đạt 930 điểm. Ngoài ra, các chỉ tiêu thành phần gạo cũng không đạt, không đáp ứng HSMT.

Ở gói thầu số 2, HSĐXKT của nhà thầu này cũng không hợp lệ vì đơn dự thầu không đúng gói thầu tham gia (tham gia gói thầu số 2 nhưng cam kết thực hiện gói thầu số 1).

Tuấn Nguyễn