Đâu là động lực tăng trưởng cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ trong 2022?
Trong báo cáo triển vọng ngành bảo hiểm năm 2022 mới công bố, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong năm nay chậm lại do mức so sánh cao trong 2021. Dự báo này được dựa trên những luận điểm như sau.
Thứ nhất, với kịch bản cơ sở là việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022, SSI Research kỳ vọng các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phuc tốt trong năm. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng trưởng 8 - 10% so với 2021 (vẫn thấp hơn mức trước dịch bệnh).
Ngoài động lực chính đến từ nhu cầu được phục hồi, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm có thể đến từ các yếu tố mới như Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (E-insurance) sẽ dần được hợp pháp hoá cho các sản phẩm bảo hiểm khác (bảo hiểm sức khỏe, tài sản thiệt hại, hàng hóa...); sự hợp tác với các công ty insurtech,....
Thứ hai, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (UW) có thể giảm từ mức nền cao trong 2021. Nhóm phân tích đã đưa ra một số nhóm yếu tố đối nghịch tác động đến lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong 2022.
Trong đó, với nhóm yếu tố kém tích cực, việc hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ khó có thể lặp lại trong năm 2022. Do đó, tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường trong năm.
Với nhóm yếu tố tích cực, việc sử dụng cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các thông tin đăng ký xe cơ giới, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, lịch sử tai nạn giao thông có thể giúp các công ty bảo hiểm phân loại khách hàng tốt hơn.
Đồng thời, Nghị định 03 cũng cho phép công ty bảo hiểm tăng phí tối đa 15% so với mức Bộ Tài chính quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình. Điều này giúp các công ty bảo hiểm có thể tăng phí đối với các hợp đồng có rủi ro cao hơn thay vì áp dụng giá tương đương với tất cả các hợp đồng như trước đây.
Ngoài ra, yếu tố bất ngờ có thể đến từ sự thành công của kênh bán hàng online với những thay đổi về quy định (giấy chứng nhận điện tử). Nếu doanh thu kênh online tăng mạnh, chi phí trung gian (cho đại lý, môi giới) có thể được tiết giảm dần dần.
Theo đó, SSI Research ước tính các yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng nhiều hơn vào lợi nhuận thuần hoạt động kinhdoanh bảo hiểm trong năm 2022. Trong khi đó, các yếu tố tích cực cần thời gian để phản ánh vào lợi nhuận các công ty bảo hiểm.
Thứ ba, nhóm phân tích cho rằng thu nhập từ hoạt động đầu tư tăng theo mức tăng về quy mô của danh mục đầu tư. Năm 2022, các chuyên gia kỳ vọng lãi từ hoạt động này sẽ tăng 8 - 10% khi lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,2 - 0,25 điểm %; tài sản đang quản lý có thể tăng tương ứng với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm (đạt khoảng 8 - 10%).
Bên cạnh đó, SSI Research cho rằng lợi nhuận các công ty bảo hiểm phi nhân thọ biến động khá mạnh giữa các quý. Mặc dù vậy, do mức so sánh cao trong quý I và quý III/2021, các chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng so với cùng kỳ có thể sẽ ở mức cao hơn trong quý II/2022.
Riêng với Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH), SSI Research ước tính lợi nhuận sẽ tăng trưởng tương đối tốt (tăng 21%), do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể cải thiện nhờ mức tăng chậm lại của chi phí dự phòng toán học.
Về cổ phiếu bảo hiểm, nhóm phân tích cho rằng định mức giá của các công tyđã tăng đáng kể sau thông tin xác nhận về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL).
Theo đó, định giá hiện đã ở mức khá cao nếu xét đến các yếu tố cơ bản (P/B hiện tại là 1,8x và ROE là 13%). Dù vậy, SSI Research cho rằng các kế hoạch phát hành cổ phiếu mới và/hoặc thoái vốn trong 2022 có thể vẫn tác động tích cực đến diễn biến giá nhóm cổ phiếu này.