|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đâu là động lực chính giúp VietinBank đạt được lợi nhuận gần 14.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm?

16:14 | 25/08/2021
Chia sẻ
Theo VDSC, các chương trình giảm lãi suất, hạn mức tín dụng sẽ tạo áp lực làm giảm NIM của VietinBank trong nửa cuối năm và việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro sẽ là động lực chính của tăng trưởng lợi nhuận.

NIM không còn là chất xúc tác cho tăng trưởng

Theo báo cáo cập nhập mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chuyên gia phân tích cho rằng trong nửa cuối năm, NIM của VietinBank sẽ không còn là chất xúc tác cho tăng trưởng tổng thu nhập do áp lực từ phía lợi suất cho vay, hạn chế trong phân bổ tài sản và lãi suất huy động có kỳ hạn ít biến động.

NIM trong 6 tháng cuối năm 2021 dự báo sẽ giảm xuống 2,9% từ mức 3,1%  ở nửa cuối năm 2020. Biên NIM dự phóng năm 2021 vẫn duy trì ở mức 3,1%.

Cùng với đó, lợi suất cho vay và huy động bình quân của VietinBank cũng dự kiến giảm do gói hỗ trợ lãi suất sắp tới và sự cải thiện tốt hơn dự kiến của lãi suất tiền gửi có kỳ hạn.

Báo cáo cho biết ngân hàng có ít dư địa để tăng phân bổ cho vay trong nửa cuối năm do hạn mức tín dụng thấp và áp lực từ việc xử lý tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR), điều này sẽ gây áp lực lên biên NIM.

Do đó, các chuyên gia kỳ vọng VietinBank sẽ giữ tỷ lệ LDR gần mức giới hạn đồng thời kiểm soát tỷ lệ thông qua thị trường liên ngân hàng kết hợp với phát hành trái phiếu dài hạn.

VDSC dự báo thu nhập lãi thuần của ngân hàng sẽ đạt 20.500 tỷ đồng trong nửa cuối năm nay, đóng góp vào thu nhập lãi thuần năm 2021 là 42.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, thu nhập dịch vụ thuần năm 2021 ước tăng 8%, lên mức 5.200 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng thanh toán. Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến đạt 28.300 tỷ đồng, đã bao gồm phân bổ khoản phí trả trước có thể diễn ra trong quý IV.

VDSC giảm dự báo lợi nhuận năm 2021 của VietinBank xuống 24.700 tỷ đồng  - Ảnh 1.

Dự báo kết quả kinh doanh của VietinBank. (Nguồn: VietinBank, VDSC).

Nâng tỷ lệ trích lập dự phòng theo Thông tư 03 lên 40% trong năm 2021

VDSC cho biết ngân hàng có kế hoạch tăng trích lập dự phòng bổ sung cho nợ tái cơ cấu trong nửa cuối năm 2021, vốn dĩ có thể tăng sau đợt bùng phát dịch bệnh và do sửa đổi Thông tư 03. Mức trích lập bổ sung hiện tại của VietinBank là hơn 40%, cao hơn yêu cầu tối thiểu cho năm 2021 là 30%.

Điều này khiến chi phí dự phòng 6 tháng cuối năm ở mức gần 4.000 tỷ đồng, tương đương giảm 36% so với cùng kỳ. Đây là động lực chính cho lợi nhuận trước thuế 6 tháng cuối năm 2021 (dự kiến đạt 13.900 tỷ đồng), theo các nhà phân tích.

Công ty chứng khoán này cũng điều chỉnh dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 và 2022 sẽ giảm nhẹ xuống 24.700 tỷ đồng và 27.900 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, VDSC cho rằng sự suy giảm chất lượng của một số khoản vay trong quý II chỉ là tạm thời và có khả năng thu hồi cao. Đồng thời, chi phí tín dụng của VietinBank ước tăng lên 1,1% trong nửa cuối năm 2021, trước khi giảm nhẹ năm 2022. 

Nếu cân nhắc đến độ trễ của việc hình thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng có xu hướng tăng lên vào năm 2022, nhưng bộ đệm dự phòng sẽ giúp giảm bớt áp lực cho việc trích lập.

Tuy nhiên, VDSC nhận định VietinBank đang có bộ đệm tốt và động lực tăng trưởng linh hoạt so với toàn ngành.

Phương Nga