|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Đất vàng' số 35 Điện Biên Phủ, 5 năm không thể thu hồi

15:42 | 17/10/2018
Chia sẻ
Trong số 38 dự án, công trình bị UBND TP.Hà Nội ra quyết định thu hồi mới đây có công trình gồm nhà và đất tại số 35 Điện Biên Phủ, Ba Đình. Điều đáng nói là “vị trí vàng” này thuộc diện phải thu hồi đã 5 năm nay nhưng vẫn bất thành.
dat vang so 35 dien bien phu 5 nam khong the thu hoi
Hiện tại, địa chỉ 35 Điện Biên Phủ là nơi đóng trụ sở của 5 đơn vị.

Tự ý cho thuê đất của Nhà nước?

Ngôi nhà số 35 Điện Biên Phủ nằm trên “mảnh đất vàng” án ngữ ngay góc ngã tư Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu, có diện tích hơn 564,5 m2, gồm hai khối nhà 4 và 7 tầng.

Lần giở lại lịch sử quản lý công trình nói trên, được biết, tại các văn bản số 1184/KL-TTTP ngày 21/5/2013 và số 2405/TTTP-P1 ngày 12/9/2013, Thanh tra TP. Hà Nội đã kết luận: Nhà đất tại 35 đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình là nhà vắng chủ, Nhà nước đã quản lý từ năm 1961.

Theo quy định tại Quyết định số 297/CT ngày 2/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thì công trình nói trên được giao cho Công ty Kinh doanh nhà số 1 (nay là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) quản lý, ký hợp đồng cho Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ (Viện Sena) thuê làm trụ sở.

Năm 1997, Công ty Kinh doanh nhà số 1 thực hiện việc cải tạo nhà 35 Điện Biên Phủ (Nhà nước cấp Giấy phép xây dựng cho Công ty), Viện Sena là đơn vị đang thuê nhà xin cải tạo nhà bằng nguồn vốn tự có và cam kết, thống nhất Nhà nước sở hữu toàn bộ đất, toàn bộ công trình sau cải tạo (tại điều 1 Biên bản số 28-XN-QL ngày 5/7/1997 lập giữa Sở Nhà đất Hà Nội. Xí nghiệp quản lý nhà Ba Đình, Viện Sena đã ghi: “Nhà nước sở hữu toàn bộ đất, toàn bộ công trình sau khi cải tạo và công trình hạ tầng kỹ thuật ngôi nhà và quản lý cho thuê lại”).

Mặt khác, từ năm 1961 đến nay, Nhà nước chưa quyết định cho phép chuyển dịch sở hữu nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Vì vậy, cho đến nay, toàn bộ nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình vẫn thuộc sở hữu Nhà nước mà đại diện chủ sở hữu là UBND TP. Hà Nội.

Theo kết luận thanh tra, trong quá trình thuê sử dụng đất, Viện Sena không kê khai sử dụng nhà đất theo quy định, tự ý cho một số tổ chức, cơ quan khác thuê lại nhà, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết luận cũng nêu rõ, đây là việc làm thiếu trách nhiệm của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội trong quản lý, sử dụng nhà 35 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.

Ngày 4/3/2013, UBND TP.Hà Nội có Quyết định 1977/QĐ-UB thu hồi 565,4 m2 đất và toàn bộ công trình trên đất tại số nhà 35 Điện Biên Phủ do Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội đang quản lý và cho Viện Sena thuê. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, từ đó đến nay, dự án trên vẫn do đơn vị này quản lý và sử dụng? Mới đây, UBND TP. Hà Nội lại tiếp tục đưa địa chỉ tại 35 Điện Biên Phủ vào danh sách các dự án phải thu hồi.

Chưa nhận được thông báo thu hồi?

Viện Sena được thành lập từ năm 1992, là đơn vị có tư cách pháp nhân độc lập, hạch toán độc lập, trực thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Sau nhiều lần liên hệ với Viện Sena để tìm hiểu thông tin về vụ việc, vừa qua, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được một người đàn ông giới thiệu tên Phương đang làm việc ở đây cho biết: “Hiện tại, cơ quan chúng tôi vẫn làm việc bình thường và chúng tôi chưa nhận được thông báo thu hồi nào từ cơ quan chức năng nên không nắm rõ”!?

Hiện nay, theo tìm hiểu thực tế, tại địa chỉ 35 Điện Biên Phủ bên cạnh là trụ sở của Viện Sena còn có các đơn vị khác tọa lạc như: Câu lạc bộ kiến tạo và khởi nghiệp Việt Nam; Trung tâm văn hóa khởi nghiệp Việt Nam; Hiệp Hội Doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; Văn phòng phối hợp phát triển.

Liên hệ đến Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Ba Đình, một nhân viên văn phòng Công ty cũng cho biết: “Đây không phải là dự án và Xí nghiệp không quản lý số nhà 35 Điện Biên Phủ, các anh liên hệ lên Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội làm việc”.

Có thể thấy, sự “bình lặng” tại một địa chỉ thuộc sở hữu nhà nước đã nhiều năm bị đề nghị thu hồi cho thấy, không dễ để đưa công trình này về với đúng chủ sở hữu của nó.

Xem thêm

Nhất Nam