|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đặt điều kiện với ngành kinh doanh dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

20:42 | 10/04/2019
Chia sẻ
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật kinh doanh bảo hiểm sẽ đưa ra các điều kiện đối với loại hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm làm cơ sở cho cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm.
Đặt điều kiện với ngành kinh doanh dịch vụ phụ trợ bảo hiểm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày tờ trình sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ - Ảnh: Quochoi.gov.vn

Thông tin trên được ông Lê Thành Long - bộ trưởng Bộ Tư pháp - đưa ra trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại họp phiên thứ 33 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ.

Theo đó, việc sửa đổi một số điều tại hai dự luật trên là nhằm phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cụ thể, dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm sẽ chỉ tập trung vào sửa đổi các vấn đề liên quan đến dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Nội dung sẽ được xây dựng trên tinh thần mở cửa, nhưng có sự kiểm soát bằng điều kiện năng lực chuyên môn và tài chính.

Dự thảo không quy định điều kiện về đăng ký, cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.

Mặc dù vậy, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng việc đặt ra những quy định về điều kiện tham gia như "đảm bảo tài chính" là còn chung chung, chưa có tính định lượng để làm cơ sở cho nhà nước quản lý.

Đơn cử như đối với cả 5 hình thức được quy định, dự thảo không xác định cụ thể mức ký quỹ, mức vốn chủ sở hữu; không xác định rõ trách nhiệm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, mức bảo lãnh thanh toán tối thiểu để đảm bảo khả năng tài chính của chủ thể kinh doanh khi xảy ra rủi ro.

Ngoài ra, các hình thức đảm bảo tài chính này chưa có sự phân định rạch ròi giữa 3 yếu tố: điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; biện pháp bảo đảm của hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị làm rõ loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo tờ trình Chính phủ có được xem là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không. Bởi nếu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải sửa đổi lại phụ lục của Luật đầu tư, sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết những cam kết của Việt Nam với việc mở cửa dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong CPTPP cũng tương đồng với cam kết trong WTO.

Theo đó, các quy định đặt ra mang tính chất là "điều kiện kinh doanh", tức là phải có bằng cấp, tiêu chuẩn khi hành nghề, chứ đây không phải là quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên trong ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, sửa đổi quy định liên quan theo hướng phù hợp với cam kết quốc tế, tránh tình trạng luật được sửa đổi vẫn bị nói là không phù hợp.

"Những nội dung nào cần quy định cụ thể, đảm bảo tính minh bạch, công khai, chặt chẽ thì đưa ngay vào luật, tránh phải có nghị định, thông tư hướng dẫn, đảm bảo tính thống nhất" - bà Ngân đề nghị.

Đàm phán sở hữu trí tuệ là khó khăn nhất

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ tập trung 5 nhóm vấn đề lớn, gồm: sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát biên giới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết WTO quy định khi đưa ra quy định mới về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ thì sẽ được áp dụng với tất cả các thành viên của WTO. Do đó, việc sửa luật để thực thi theo cam kết trong CPTPP cũng sẽ áp dụng cho tất cả thành viên WTO.

"Đàm phán sở hữu trí tuệ là khó khăn nhất vì cam kết với một nước nhưng phải thực hiện với tất cả các nước trong WTO, vì có những gánh nặng thực thi sau này. Do đó, những cam kết này đã được Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá tác động trên diện rộng" - ông Khánh nói.

N. An

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.