|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bộ Tài chính dự kiến thanh kiểm tra 18 doanh nghiệp bảo hiểm

07:29 | 06/04/2019
Chia sẻ
Năm 2019, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, cùng với giám sát từ xa, dự kiến Bộ Tài chính sẽ thanh kiểm tra 18 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). 

(ĐTCK) Năm 2019, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, cùng với giám sát từ xa, dự kiến Bộ Tài chính sẽ thanh kiểm tra 18 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Năm 2018, thanh kiểm tra 15 DNBH

Báo cáo từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2019 cho biết, năm 2018, Bộ Tài chính đã thanh kiểm tra 15 DNBH ở 3 khối phi nhân thọ, nhân thọ và môi giới bảo hiểm.

Trong đó, với riêng khối phi nhân thọ - môi giới, năm 2018 đã hoàn thành kiểm tra chuyên đề tại 4 DNBH phi nhân thọ (Xuân Thành, Phú Hưng, Chubb và Fubon) và 4 DN môi giới bảo hiểm (Jardine Lloyd Thompson, Marsh, Gras Savoye Willis, Cimeico).

Đối với khối bảo hiểm nhân thọ, Cục đã thanh tra 3 DNBH là Generali, Manulife và BIDV- Metlife; kiểm tra chuyên đề 4 DN là Daiichi, Chubb Life, Prudential, Fubon về dự phòng nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán, công tác đầu tư, chi trả quyền lợi bảo hiểm, việc chấp hành quy tắc, điều khoản biểu phí bảo hiểm.

Qua công tác thanh kiểm tra đã kịp thời lưu ý các DNBH bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về chi phí, dự phòng, khả năng thanh toán; danh mục đầu tư và tỷ lệ đầu tư, xem xét, rà soát lại quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Đối với riêng mảng bảo hiểm phi nhân thọ, báo cáo từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, vẫn còn một số tồn tại như hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; tính tuân thủ của một số DNBH về quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành, phê duyệt hoặc chấp thuận đăng ký (như bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo hiểm vật chất xe ô tô ...) còn chưa cao.

“Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của khối phi nhân thọ, tuy tăng trưởng nhưng chưa bền vững, các DN chưa quan tâm đúng mức đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh, lợi nhuận chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng doanh thu, mặc dù số DNBH lỗ giảm hơn năm 2017. Một số DNBH trả hoa hồng bảo hiểm cao hơn tỷ lệ theo quy định pháp luật, chi bồi thường không đúng quy định”, báo cáo cho biết.

Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán từ một số lãnh đạo DNBH, từ đầu năm đến nay, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và an toàn tài chính của DN như tăng chi phí khai thác (chi lại cho khách hàng mua bảo hiểm để giành dịch vụ của các DNBH khác), mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm, hạ phí bảo hiểm... Từ đó, không chỉ khiến bị lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm.

Cũng theo báo cáo, công tác tư vấn, giải thích cho khách hàng về điều kiện, điều khoản trước khi cấp đơn bảo hiểm chưa được chú trọng, dẫn đến khiếu nại và tranh chấp giữa DNBH và khách hàng. Năm 2018, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được nhiều đơn thư tranh chấp, kiện tụng liên quan đến bồi thường bảo hiểm, chẳng hạn tại MIC, VNI, Hùng Vương… mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc không đọc kỹ, hiểu rõ, không được tư vấn kỹ sản phẩm trước khi ký hợp đồng. 

Công tác thanh kiểm tra vẫn được thực hiện thủ công

Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của một số DNBH chưa kịp thời phát hiện những rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh để có biện pháp chấn chỉnh. Một số DNBH chưa tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký nguyên tắc phân bố tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí.

Về phía quản lý nhà nước, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm thừa nhận, mặc dù công tác quản lý, giám sát, nhất là công tác thanh kiểm tra đã được tăng cường nhưng số lượng cán bộ còn chưa tương xứng với quy mô của thị trường nên công tác thanh tra, kiểm tra mới chỉ thực hiện được ở một số doanh nghiệp và tập trung ở trụ sở chính.

“Cơ sở vật chất công tác quản lý giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là chưa xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền vẫn chưa được chủ động, công tác thống kê số liệu để phân tích đánh giá, dự báo tình hình thị trường phục vụ cho công tác quản lý giám sát phần lớn được thực hiện thủ công”, báo cáo cho biết.

Năm 2019, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, cùng với giám sát từ xa, dự kiến Bộ Tài chính sẽ thanh kiểm tra 18 DNBH, trong đó kiểm tra chuyên đề 12 DNBH (5 DNBH nhân thọ, 4 DNBH phi nhân thọ, 3 DN môi giới bảo hiểm); và thanh tra 6 DNBH.

Kim Lan