Myanmar bất ngờ cấp phép cho 5 đại công ty bảo hiểm nhân thọ
Chính phủ Myanmar đã cho phép cho 5 công ty đa quốc gia mở các công ty con 100% vốn nước ngoài tại thị trường bảo hiểm nhân thọ đầy tiềm năng của nước này.
Quyết định của Bộ Tài chính và Kế hoạch gây ngạc nhiên bởi trước đây bộ này tuyên bố chỉ cho phép nhiều nhất là ba công ty tham gia thị trường bảo hiểm hầu như còn bỏ ngỏ tại đây.
Năm công ty được cấp phép gồm Prudential của Anh, Dai-ichi Life của Nhật Bản, Manulife của Canada, AIA của Hong Kong và Chubb của Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên Myanmar cho phép công ty nước ngoài tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ sơ khai tại đây vốn có giá trị ước tính 13 triệu USD trong năm 2017.
Các công ty bảo hiểm đa quốc gia có uy tín sẽ tạo sức cạnh tranh mới cho thị trường bảo hiểm nhân thọ Myanmar hiện chỉ gồm các công ty nhỏ trong nước. Dai-ichi dự báo thị trường sẽ tăng trưởng 100 lần trong 10 năm tới và đạt con số 1,3 tỷ USD.
Các ni sư đang đi qua tòa nhà của Công ty bảo hiểm IKBZ Insurance ở Yangon. Thị trường bảo hiểm của Myanmar hiện rất nhỏ, nhưng sẽ bùng nổ trong thập niên tới. (Ảnh: Reuters)
Năm đại công ty dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm nay sau khi hoàn tất các thủ tục lập công ty con và đáp ứng các yêu cầu khác. Sau sự kiện này, trong tháng 5/2019, chính phủ Myanmar sẽ chỉ định các công ty nước ngoài được phép thành lập liên doanh với các công ty trong nước với vốn sở hữu cao nhất là 35%.
Các công ty Nhật Bản như Taiyo Life Insurance, Mitsui Sumitomo Insurance, Sompo Japan Nipponkoa Insurance và Tokio Marine & Nichido Fire Insurance are đang thảo luận với các đối tác tiềm năng của Myanmar. Muang Thai Life Assurance và Thai Life Assurance của Thái Lan cũng đang có động thái tương tự.
Myanmar mở cửa thị trường bảo hiểm cho khu vực tư tham gia năm 2013 sau một thời gian dài các công ty nhà nước thống lĩnh thị trường này. Dù tuyên bố mở cửa sân chơi cho nước ngoài tham gia, chỉ đến tháng 1-2019 vừa rồi, Myanmar mới công bố các thủ tục cần thiết.
“Công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ có ảnh hưởng tích cực với sự phát triển của ngành bảo hiểm trong nước bởi họ đưa kỹ thuật, vốn và kinh nghiệm vào”, Sandar Oo – giám đốc điều hành Myanmar Insurance, người cũng tham gia vào hoạch định chính sách của Bộ Tài chính và Kế hoạch Myanmar, nhận định.
Theo số liệu của Swiss Re Institute, tỷ lệ tham gia bảo hiểm ở Myanmar hiện ở mức 0,1% tổng sản phẩm trong nước (GDP) – thấp hơn con số 2,1% của Việt Nam dù thị trường Việt Nam được xem là “chưa phát triển”. Thị trường Nhật Bản có tỷ lệ 8,6%.