Đặt cọc giữ chỗ nhà ở sai quy định có thể bị truy cứu hình sự
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh liên quan đến việc đặt cọc giữ chỗ tại các dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, cử tri đề nghị quy định chế tài để xử lý việc đặt cọc giữ chỗ tại các dự án nhà ở khi đầu tư chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai để có cơ sở xử lý theo đúng quy định.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Khoản 5 Điều 8 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì một trong các hành vi bị cấm là: Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.
Ngoài ra, tại Khoản 6 Điều 26 của Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có trách nhiệm: Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng kinh doanh sản phẩm của dự án, bàn giao nhà ở và các giấy tờ liên quan đến nhà ở giao dịch cho khách hàng; thực hiện giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở và kinh doanh quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cho biết, tại Khoản 1 Điều 179 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định: Người có hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
“Như vậy, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản đã có quy định cụ thể về hình thức, điều kiện huy động vốn của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong việc huy động vốn không đúng quy định của pháp luật”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Còn đối với việc ký kết hợp đồng đặt cọc mà không nhằm mục đích huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Theo tìm hiểu, tình trạng đặt cọc khi chưa đủ điều kiện theo quy định vẫn diễn ra, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Đơn cử, mới đây, hàng trăm khách hàng tại dự án TNR Stars Đồng Văn đã tập trung tại trụ sở CTCP Đầu tư và phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) để đòi quyền lợi. Đáng nói, việc này đã kéo dài từ nhiều năm nay.
Theo phản ánh, dự án được chủ đầu tư (CTCP Phát triển Hà Nam) phân lô, bán nền bằng hình thức hợp đồng đặt chỗ ngay từ khi còn đang có tranh chấp giữa chủ dự án mới và cũ (CTCP Tập đoàn ATA và CTCP Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam - VID Group).
Đến nay, dù đã thanh toán đủ 95% giá trị hợp đồng nhưng khách hàng vẫn chưa được bàn giao đất để thi công xây dựng.
Khách hàng tại dự án cho biết, rất nhiều người đã ký các hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với CTCP Phát triển Hà Nam để mua đất tại dự án trên từ năm 2018. Tuy nhiên, khi dự án chưa đủ pháp lý, doanh nghiệp đã làm chuyển nhượng cho dân.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Nam cho biết, dù chính quyền đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu CTCP phát triển Hà Nam không thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án TNR Star Đồng Văn cho người dân tự xây dựng nhà ở khi chưa đủ điều kiện nhưng doanh nghiệp này vẫn không chấp hành.
Đây là nguyên nhân phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. UBND tỉnh này cho biết, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.