Đặt cà phê qua loa thông minh, nhận hàng trong 30 phút: Cú đột phá của Starbucks và Alibaba ở Trung Quốc
Khi hai "gã khổng lồ" hợp tác, người tiêu dùng có trải nghiệm mới
Alibaba và Starbucks công bố chương trình hợp tác hôm 19/9, theo SCMP. Nền tảng giao hàng Ele.me của Alibaba sẽ vận chuyển những tách cà phê tới nhà của khách hàng trong vòng nửa tiếng từ khi họ đặt hàng bằng cách nói gần loa thông minh Tmall Genie.
Taobao, nền tảng thương mại điện tử của Alibaba, đã bán 10.000 phiên bản đặc biệt của loa thông minh Tmall Genie với giá 199 nhân dân tệ. Đây là phiên bản dành cho những người đặt cà phê Starbucks.
Loa thông minh của Alibaba giúp khách hàng tương tác với Starbucks từ xa một cách dễ dàng. Ảnh: SCMP
Với loa thông minh Tmall Genie, khách hàng dùng giọng của họ để đặt cà phê Starbucks rồi theo dõi quá trình xử lí đơn hàng theo thời gian thực trong 30 phút.
Sau vài lần đặt hàng, chủ nhân của loa bắt đầu nhận những lời gợi ý từ nó dựa trên sở thích của họ trong những lần gọi cà phê trước và những đồ uống nổi bật nhất theo mùa trên thực đơn của Starbucks.
Những người hâm mộ Starbucks có thể dùng loa để nghe những bản nhạc mới nhất trong các cửa hàng Starbucks nhờ ứng dụng phát nhạc Xiami Music.
"Chúng tôi cố gắng bảo đảm rằng dịch vụ đặt cà phê Starbucks qua loa thông minh Tmall Genie thực sự là trải nghiệm mang tính cá nhân. Chẳng những tạo ra sự tiện lợi, chúng tôi còn muốn mang tới cho khách hàng cơ hội tương tác với Starbucks qua một nền tảng duy nhất trong hoạt động hàng ngày", Molly Liu, giám đốc Starbucks Trung Quốc, phát biểu.
Loa thông minh đang trở thành xu hướng công nghệ mới
Những tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, Tencent và Baidu đang cạnh tranh với nhau để đưa loa thông minh vào các công ty và hộ gia đình ở Trung Quốc trong bối cảnh "trợ lí ảo bằng giọng nói" đang ngày càng phổ biến.
"Trong năm nay chúng tôi dự đoán Alibaba và Baidu sẽ tiếp tục chi tiền để tăng số lượng người dùng loa thông minh, bởi họ ưu tiên chiếm thị phần hơn lợi nhuận", Nicole Peng, phó chủ tịch phụ trách mảng thiết bị di động của công ty phân tích thị trường công nghệ Canalys, phát biểu.
Nicole Peng nói thêm rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang phải trả một số tiền rất nhỏ cho loa thông minh, trong khi họ nhận vô số nội dung và dịch vụ.
"Yếu tố này rất có lợi cho hoạt động giáo dục thị trường và tăng tốc độ chấp nhận sản phẩm của người dân", bà nhận xét.
Số liệu của Canalys cho thấy thị trường loa thông minh toàn cầu tăng trưởng 55,4% trong quý 2 năm nay, đạt 26,1 triệu sản phẩm. Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường loa thông minh tăng trưởng nhanh nhất, và Baidu vượt Google để trở thành nhà cung cấp loa thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Amazon.