Trung tuần tháng 4/2018, Bộ Tài chính đã chính thức công bố đề xuất đánh thuế tài sản (mức thuế suất 0,3% - 0,4% đối với nhà đất có giá trị trên 700 triệu hoặc trên 1 tỷ đồng). Thông tin này ngay lập tức thu hút nhiều ý kiến khác nhau trong công luận.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nhà đất chịu thuế tài sản cần được định theo giá thị trường, thuế suất chỉ cần dựa vào giá để đánh thuế chứ không cần dựa theo vị trí hay diện tích nhà, chỉ nên đánh thuế nhà có giá trị lớn từ 5 tỷ đồng trở lên...
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần thấy trước rằng việc thu thuế tài sản rất dễ là cơ hội cho tham nhũng trong ngành thuế, cả do các đối tượng thu thuế và người đi thu thuế đồng thuận “ăn chia”, cố tình khai báo giả để trốn thuế.
Chuyên gia Huỳnh Thế Du cho rằng nên đánh thuế tài sản vì sắc thuế này thể hiện sự công bằng và ưu việt, do đó nên chọn phương án này thay vì tăng thuế VAT.
Chuyên gia tài chính cho rằng, đây là thuế quan trọng, cần phải thực hiện để đáp ứng công bằng cho mọi người dân (70% là người thu nhập trung bình và nghèo) và phát triển cho quốc gia và an sinh xã hội. Ở các nước phát triển, đó là nguồn thuế ổn định và lớn để ngân sách chi cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội.
Bộ Tài chính vừa đề xuất đánh thuế tài sản đối với xe ô tô trị giá từ 1,5 tỷ đồng. Thực tế vấn đề này có tác động đến thị trường xe ra sao? Những chiếc xe nào nằm trong vùng tác động và đặc biệt liệu mục đích sâu xa của vấn đề đánh thuế này phải chăng là chống xe sang nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước?
Với cách tính thuế tài sản này, một chiếc ô tô có giá trị 2,5 tỷ đồng thì phần vượt 1,5 tỷ đồng (là 1 tỷ đồng) sẽ là phần giá trị bị đánh thuế với thuế suất 0,3 – 0,4%, tương đương 3 – 4 triệu đồng.