|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đánh thuế đơn hàng dưới 1 triệu đồng nhập về Việt Nam: Temu hết cơ hội 'xé lẻ' hàng hoá

07:30 | 04/12/2024
Chia sẻ
Các sàn thương mại điện tử đang hoạt động ở Việt Nam hiện chỉ có Temu là giới hạn đơn hàng không quá 1 triệu đồng, trong khi Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop, Shein… không có quy định này.

“Mua sắm như tỷ phú” là khẩu hiệu của Temu trước khi thâm nhập thị trường Việt Nam, nền tảng cam kết giao mọi đơn hàng không có mức sàn và trần về giá trị. Nếu giá trị hàng hoá từ 120.000 đồng trở lên, khách hàng sẽ được miễn phí vận chuyển.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, Temu thay đổi chính sách bán hàng, người dùng chỉ có thể chốt đơn với giá trị tối thiểu 887.000 đồng và không quá 1 triệu đồng.

Temu thông báo giới hạn đơn hàng không quá 1 triệu đồng. (Ảnh: HD).

Trên ứng dụng, Temu lý giải đơn hàng tối thiểu giúp "cung cấp nhiều mặt hàng hơn với giá thấp hơn" và "ngăn ngừa lãng phí bao bì", trong khi không giải thích lý do yêu cầu mức giá trị tối đa.

Hiện tại, các sàn thương mại điện tử đang hoạt động ở Việt Nam chỉ có Temu là giới hạn đơn hàng được mua không quá 1 triệu đồng, trong khi Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop, Shein… không có quy định này.

Theo quy định hiện hành, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu). Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bãi bỏ quy định này.

Bộ đề xuất khi bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng bán qua chuyển phát nhanh, dự kiến mỗi năm ngân sách có thể tăng thu vài nghìn tỷ đồng.

“Có một thực tế đáng lo ngại trong khi các nhãn hàng Việt phải trả nhiều khoản thuế khi nhập khẩu hàng hóa sau khi thuê gia công, trong khi những sản phẩm tương tự, bán lẻ từ quốc gia khác sang Việt Nam lại không phải chịu các chi phí này. Cuộc chơi vốn đã yếu thế nay còn thiếu công bằng hơn”, ông Lê Hải Vũ - CEO Velasboost kiêm nhà sáng lập Made.vn nêu quan điểm.

Theo ông Vũ, sự gia nhập của Temu vào thị trường Việt Nam là một dấu hiệu không thể xem nhẹ. Điểm mạnh của sàn này nằm ở chiến lược giá rẻ đến không ngờ, chủ yếu là hàng hóa đến từ Trung Quốc và ít thương hiệu nổi tiếng. Temu đang đánh đúng vào tâm lý mua sắm tiết kiệm của người tiêu dùng.

Chủ tịch HĐQT Digiworld Đoàn Hồng Việt cũng từng nhận định, Temu là nền tảng bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới, tập trung tìm hiểu thị hiếu thị trường nhằm tung ra sản phẩm có giá trị nhỏ “với mức giá rất khủng bố”.

Sàn này thường hướng tới các đơn hàng dưới 1 triệu đồng và sẽ không phải đóng tiền thuế nhập khẩu. Song, theo ông Việt, điều này ảnh hưởng lớn đến các seller (người bán hàng) nhỏ ở Việt Nam và tạo ra sự bất công về chính sách thuế.

Theo dự thảo Bộ Tài chính trình Thủ tướng, nhiều nước như Anh, Australia, Thái Lan, Singapore... đã bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Hiện tại, các chính sách này cũng không còn phù hợp với tình hình thực tiễn trước sự phát triển của thương mại điện tử thế giới cũng như ở Việt Nam.

Thống kê cho thấy có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam mỗi ngày qua các sàn thương mại điện tử. Giá trị các đơn hàng được chia nhỏ 100.000-300.000 đồng.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc bãi bỏ chính sách này góp phần bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Như năm 2023, tổng giá trị hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập vào qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khi bãi bỏ chính sách này, trường hợp hàng hóa có thuế suất VAT 10% thì số thu ngân sách sẽ tăng khoảng 2.700 tỷ đồng.

Hoàng Dung

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.