Đánh thức thị trường cá tra nội địa
Theo Thứ trưởng Tám, năm 2016, mặc dù ngành thủy sản gặp nhiều biến động, khó khăn, nhất là ảnh hưởng hạn – mặn ở ĐBSCL, đánh bắt hải sản cũng gặp khó khăn lớn do sự cố môi trường biển miền Trung. Tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn ngành, thủy sản đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám |
Theo ông Tám, sự thành công bất ngờ của ngành thủy sản năm 2016 không phải là tự nhiên mà có, trong đó có cái chính là yếu tố chỉ đạo, điều hành của Bộ NN-PTNT, biến những khó khăn, bất lợi thành những thuận lợi và phát huy được những lợi thế để vươn lên. “Với những gì ở sáu tháng đầu năm 2016, không ai nghĩ tới cuối năm 2016, ngành thủy sản lại thu được những kết quả thành công bất ngờ như vậy” – ông Tám phấn khởi.
Lâu nay nhắc tới thủy sản, nhất là thủy sản XK thì gần như chúng ta chỉ biết tới tôm và cá tra? Vậy ngoài 2 đối tượng chủ lực trên, chúng ta còn sản phẩm gì có lợi thế, thưa Thứ trưởng?
Đúng là lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung chính cho cá da trơn và tôm mà chưa khai thác được các chủng loại sản phẩm thủy sản còn rất đa dạng, có lợi thế là đặc sản và có dung lượng hàng hóa, có khách hàng ngay tại thị trường nội địa trên cả nước. Hiện các địa phương mỗi vùng đều có những sản phẩm đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, mặc dù khối lượng không quá lớn nhưng đây là những lợi thế đặc sản của chúng ta.
Vì vậy năm 2017, bên cạnh việc tập trung cho SX và XK các sản phẩm chính là cá tra và tôm nước lợ, ngành thủy sản sẽ tập trung hơn nữa cho việc phát triển các nhóm sản phẩm đặc hữu có nhiều lợi thế trong nước để thủy sản có thể phát triển đồng đều hơn giữa các vùng miền.
Tôm nước lợ và cá tra năm 2016 đã có những bứt phá rất ngoạn mục. Tuy nhiên như Thứ trưởng đã lưu ý, chúng ta không nên thỏa mãn với thắng lợi. Vậy năm 2017, ngành thủy sản có định hướng chiến lược nào cho 2 nhóm sản phẩm này?
Năm 2017, chúng ta đã có những bài học từ công tác chỉ đạo điều hành của năm 2016. Theo đó, ngành thủy sản sẽ tiếp tục tập trung vào khai thác những lợi thế trong lĩnh vực nuôi lẫn khai thác. Cụ thể đối với sản phẩm tôm nước lợ, đây là nhóm sản phẩm chúng ta đang còn dư địa lớn.
Hiện nay với 700 nghìn ha tôm nước lợ, chúng ta mới chỉ có khoảng 95 nghìn ha tôm nuôi công nghiệp thâm canh. Còn lại hơn 600 nghìn ha là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến với năng suất còn rất thấp nên có thể nâng năng suất tôm quảng canh với các loại hình tôm – lúa, tôm sinh thái lên ít nhất ở mức 300 – 500kg/ha.
Tuy nhiên, toàn ngành sẽ phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương lẫn các địa phương, phải kiểm soát tốt dịch bệnh, dư lượng hóa chất kháng sinh và các vật tư đầu vào khác, đặc biệt là phải kiểm soát tốt khâu giống, áp dụng các quy trình SX tốt...
Bên cạnh đó, cần chủ động đề phòng những vấn đề mà năm 2016 đã vấp phải, đó là nguy cơ tái diễn hạn hán, xâm nhập mặn cũng như các vấn đề về thị trường XK. Có thể nói năm 2017, chúng ta tin tưởng hoàn toàn có thể tăng mạnh được về sản lượng tôm nước lợ, tuy nhiên vẫn phải đặc biệt kiểm soát dịch bệnh và mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại.
Thị trường cá tra nội địa sẽ được xốc lại mạnh mẽ trong năm 2017 |
Về cá tra, Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung trước hết vào sửa đổi Nghị định 36/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và XK cá tra nhằm tạo hành lang pháp lý, kết hợp với việc xử lí các rào cản kỹ thuật ở các thị trường XK. Về lâu dài đối với cá tra, sẽ phải khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm quốc gia cá da trơn, trong đó bên cạnh việc tiếp tục phát triển các dòng cá tra – phi lê bình thường, sẽ tạo ra dòng sản phẩm cá da trơn chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, đồng thời gắn với xây dựng thương hiệu và nâng cao uy tín chất lượng cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành cá tra sẽ phải tạo nên bước đột phá ở thị trường trong nước. Đây là thị trường hơn 90 triệu dân, dư địa còn rất lớn nhưng lâu nay chúng ta đã lãng quên. Theo đó, năm 2017, Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội, tổ chức một hội chợ lớn chuyên về cá tra tại Hà Nội nhằm tăng cường giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm cá da trơn tới người tiêu dùng trong nước.
Với những chiến lược này, trong năm 2017, chúng ta hoàn toàn có thể tăng được sản lượng cá tra lên một bước mới. Đối với người nuôi tại ĐBSCL, chủ trương chung là thị trường phát triển tới đâu, mở rộng diện tích, sản lượng nuôi tới đó, chứ không phát triển ồ ạt theo tín hiệu thị trường ngắn hạn. Hiện nay, năng lực chúng ta có thể SX vài triệu tấn cá tra/năm là bình thường.
Trăn trở nhất của ông về ngành thủy sản khi khép lại năm 2016 là gì?
Đó là một ngành SX vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên, biến đổi khí hậu rất khó lường, nguy cơ dịch bệnh cũng như biến động của thị trường XK. Ba thách thức này đòi hỏi toàn ngành phải rốt ráo, bám sát vào diễn biến thực tế để kịp thời ứng phó và có quyết sách điều chỉnh cho linh hoạt. Ba nhân tố này chúng tôi dự báo năm 2017 và những năm tới sẽ vẫn có những diễn biến khó đoán định, khốc liệt hơn. Tuy nhiên với kinh nghiệm đã trải qua trong năm 2016, chúng tôi tin tưởng sẽ chủ động được để biến những nguy cơ, thách thức thành thuận lợi như đã từng thành công trong năm 2016.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!