Danh mục dự án trúng thầu của Xây dựng Hòa Bình năm 2023 và mục tiêu 10.000 tỷ năm 2024
ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) chiều ngày 17/10 có sự tham dự của 666 cổ đông (bao gồm tham dự trực tiếp và ủy quyền), chiếm 43,66% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Bên cạnh các thông tin liên quan đến tình hình tài chính, các cổ đông quan tâm đến tình hình trúng thầu của Xây dựng Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2024 và đặt câu hỏi liệu các chủ đầu tư có e ngại trong việc giao thầu cho tập đoàn không?
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Lê Văn Nam, hiện nay Xây dựng Hòa Bình đang thi công 22 dự án và hầu hết khách hàng của tập đoàn đều là khách hàng truyền thống, cùng làm việc và trải qua nhiều giai đoạn khó khăn.
Trong năm 2023, Hòa Bình trúng thầu 5 dự án: 10 tòa chung cư nhà ở xã hội ở Hải Phòng của chủ đầu tư Thái - Holding với giá trị 3.000 tỷ đồng; dự án The 9 Stellars (quận 9 cũ, TP HCM) của chủ đầu tư Sơn Kim Land; Chung cư Thăng Long Home Hiệp Phước (Đồng Nai) của chủ đầu tư Thăng Long Real Group.
Dự án Nam An Azure của chủ đầu tư An Nam đã chốt xong và còn chờ một số thủ tục cuối cùng. Riêng dự án còn lại tập đoàn chưa thể công bố do đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục.
Khu vực xây dựngdự án The 9 Stellars của chủ đầu tư Sơn Kim Land. Theo thông tin giới thiệu từ chủ đầu tư, dự án có quy mô 16 ha, được chia thành hai giai đoạn. (Nguồn: stella.vn).
Tổng Giám đốc Lê Văn Nam cho biết vừa rồi lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình đã gặp gỡ một số chủ đầu tư và phía đối tác chia sẻ sẵn sàng giao các dự án mới cho tập đoàn như BGR, Geleximco, BIM Group, Gamuda Land, CapitaLand, Keppel Land, CEO Group, Sun Group... Hiện Xây dựng Hòa Bình đang tham gia đấu thầu một dự án quy mô lớn của Gamuda Land.
Theo kế hoạch ban điều hành công bố, giá trị trúng thầu năm 2024 khoảng 9.000 - 10.000 tỷ đồng. Với khối lượng thực hiện 40 - 45%, tương đương tập đoàn có doanh thu 4.000 - 5.000 tỷ đồng từ các dự án mới, cùng với backlog mang sang khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng thì tổng doanh thu năm sau có thể đạt 9.000 tỷ đồng.
Đối với thị trường nước ngoài,Tổng Giám đốc Lê Văn Nam thông tin sau chuyến đi công tác của Chủ tịch Lê Viết Hải vừa qua, có thể Xây dựng Hòa Bình sẽ xây dựng văn phòng ở châu Phi,
"Thị trường châu Phi giống Việt Nam cách đây 40 - 50 năm. Viettel đã có mặt ở châu Phi và rất thành công.Nếu mà cứ sợ, không đi thì sao chúng ta làm được. Tôi nghĩ Viettel làm được thì Hòa Bình cũng sẽ làm được", ông Nam nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tập đoàn đánh giá Australia là thị trường có cơ hội rất lớn bởi ở đây đang thiếu lực lượng lao động cho các dự án xây dựng. Sau khi thực hiện thành công dự án ở Venuatu trong hai năm, Xây dựng Hòa Bình sẽ đưa nguồn lực từ Venuatu sang Australia, thay vì đưa lực lượng lao động trực tiếp từ Việt Nam sang.
Ngoài ra, các công ty con của Xây dựng Hòa Bình đang làm việc với đối tác ở Mỹ, bắt đầu triển khai công tác thiết kế.
"Về ngắn hạn, Xây dựng Hòa Bình sẽ dùng nguồn thu tích lũy trong nước để đầu tư đội ngũ chuẩn bị cho thị trường nước ngoài", Tổng Giám đốc Lê Văn Nam nhấn mạnh.
Riêng trong năm 2023, ban điều hành ước tính doanh thu hợp nhất đạt 7.500 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế âm so với kế hoạch lãi 125 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT, thông tin thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, các chủ đầu tưvẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng và điều này đã ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng của tập đoàn. Đồng thời, tập đoàn đã dừng kế hoạch chuyển nhượng vốn và tài sảntại công ty con là Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group.
Nguyên nhân được đưa ra là phía đối tác không xoay xở được nguồn tiền để thanh toán cho Xây dựng Hòa Bình. Đồng thời, nếu thực hiện thương vụ này thì tập đoàn chịu áp lực cam kết doanh thu hàng năm khá lớn cho đối tác. Theo kế hoạch ban đầu, Xây dựng Hòa Bình có nguồn thu 1.100 tỷ đồng từ thương vụ này.