|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đằng sau lý do các app gọi xe muốn kinh doanh ngân hàng số

17:26 | 24/12/2020
Chia sẻ
Grab đã xin được giấy phép kinh doanh ngân hàng số tại quê nhà trong khi be cũng đang lên kế hoạch làm ngân hàng điện tử.

Không còn đơn thuần là app gọi xe

Dù chưa từng chính thức thừa nhận nhưng những ứng dụng gọi xe tại Đông Nam Á cũng phần nào được truyền cảm hứng từ Uber, app gọi xe lớn nhất tại thị trường Mỹ. Ra đời năm 2009, Uber đã góp phần làm thay đổi thói quen đặt xe taxi của người dùng, bắt đầu từ thị trường nội địa và lan tới toàn cầu.

Uber có thể không phải là app gọi xe đầu tiên, nhưng chắc chắn là app gọi xe có độ phủ lớn nhất trên toàn cầu. Hiện tại dù đã rút khỏi một số thị trường (như Đông Nam Á vào năm 2018), Uber vẫn đang hoạt động tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dù là hình mẫu tiêu biểu để học hỏi trong thời gian đầu, khó mà nói Uber hiện tại vẫn tiếp tục là một mô hình mà các ứng dụng gọi xe muốn đi theo. Nhất là trong bối cảnh hiện tại, chính "hình mẫu" đó lại đang vấp phải những khó khăn nhất định.

Kể từ sau đợt IPO tháng 5/2019, giá cổ phiếu Uber đã liên tục tụt sâu và có thời điểm chỉ còn bằng 1/3 mệnh giá phát hành. Nhà đồng sáng lập Travis Klasnic thậm chí đã bán sạch số cổ phiếu mà mình nắm giữ. Tính riêng quý 3/2020, công ty lỗ ròng 1,1 tỷ USD.

Kể từ giữa năm 2020, Uber đã bắt đầu phải đánh giá lại hiệu quả từ việc "tăng trưởng nóng" bằng cách tái cơ cấu, rút vốn, bán lại các mảng kinh doanh tại nhiều thị trường nước ngoài. Đồng thời với đó, Uber sẵn sàng bỏ ra 2,65 tỷ USD để thâu tóm Postmates, một ứng dụng giao đồ ăn. 

Ý định dần chuyển dịch sang sác mảng kinh doanh khác của Uber ngày một lộ rõ. Lựa chọn của Uber là mảng giao đồ ăn tại thị trường Mỹ. Điều đáng nói là kể từ sau khi Uber thâu tóm Postmates, giá cổ phiếu Uber đã tăng một lèo vượt mệnh giá phát hành (45 USD) vào đầu tháng 11/2020.

Cho đến thời điểm này, các ứng dụng gọi xe Đông Nam Á có lẽ không cần phải quá "học hỏi" một cách máy móc Uber nữa. Mỗi công ty sẽ có con đường riêng của mình, sau khi đã xây dựng được hệ sinh thái người dùng trên nền tảng.

Đằng sau lí do các app gọi xe muốn kinh doanh ngân hàng số - Ảnh 1.

Ứng dụng gọi xe be muốn làm ngân hàng số. (Ảnh: beGroup).

Những app chiếm thị phần lớn ở mảng gọi xe tại Việt Nam hầu hết đều không chỉ đơn thuần "ứng dụng gọi xe" nữa. Đơn giản bởi trên những app này, người dùng có thể sử dụng cùng một lúc nhiều dịch vụ "bổ sung" khác ngoài phục vụ mục đích di chuyển.

Không thể biết rằng ngay từ đầu, ban lãnh đạo những doanh nghiệp này đánh giá ra sao về tầm quan trọng của những dịch vụ "bổ sung". Tuy nhiên cho đến hiện tại, khi các dịch vụ "bổ sung" bắt đầu lên ngôi, cũng là lúc những tín hiệu tích cực xuất hiện trên thị trường cạnh tranh giữa các app, mà cụ thể là việc nhiều ứng dụng bắt đầu nhắc nhiều hơn tới từ "lợi nhuận" trong các tuyên bố.

Khi các ứng dụng gọi xe nhảy vào mảng tài chính

Ra đời cuối năm 2018, be được xây dựng quanh ba dịch vụ chính: beBike; beCar và beDelivery. Giống nhiều ứng dụng khác, be cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi cho khách và thưởng cho tài xế nhằm xây dựng hệ sinh thái. 

Báo cáo của ABI Research chỉ ra rằng trong 2 năm liên tiếp, be nói riêng và các ứng dụng gọi xe khác nói chung đều bị Grab bỏ xa tại thị trường Việt Nam. Điều đó có nghĩa là nếu cứ tập trung vào các mảng gọi xe, có thể be sẽ khó lòng đuổi kịp được đối thủ. Điều này khiến ứng dụng gốc Việt phải tìm hướng xoay sở khác.

Tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, CEO beGroup Nguyễn Hoàng Phương đã tiết lộ 3 mũi nhọn của công ty trong thời gian tới, trong số đó không có cung ứng dịch vụ gọi xe.

Thay vào đó, be muốn xây dựng một nền tảng mở; cung cấp giải pháp "đa phương tiện, một hành trình" và đáng chú ý nhất là việc kinh doanh ngân hàng số. Trên thực tế ở thời điểm hiện tại, be hiện cung cấp cả dịch vụ beFinancial (giải pháp tài chính cho khách hàng cá nhân, tài xế và doanh nghiệp).

Với những kế hoạch mới, be không giấu diếm tham vọng sẽ có lãi trong năm 2021, trong khi toàn bộ các hãng gọi xe lớn, kể cả chính be,  lỗ đến cả trăm, cả nghìn tỷ đồng mỗi năm tại Việt Nam.

Trước be, một ứng dụng khác là Grab cũng đã được cấp giấy phép mở ngân hàng số tại quê nhà sau khi bắt tay với Tập đoàn Viễn thông Singapore (Singtel). Theo Nikkei, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS, đơn vị cấp giấy phép) khẳng định liên doanh Grab-Singtel mạnh hơn rõ rệt so với các ứng viên khác.

Tại một số thị trường, Grab hiện vẫn cung ứng dịch vụ tài chính cho mộ bộ phận người dùng trong hệ sinh thái. Việc chính thức nhận giấy phép kinh doanh ngân hàng số thậm chí còn có thể thúc đẩy mở rộng hệ sinh thái của kì lân Singapore rộng thêm.

Một kì lân gọi xe khác là Gojek cũng phát đi những tín hiệu tích cực về tình hình kinh doanh trong năm 2020, bất chấp sự tác động của COVID-19. Cụ thể, Gojek đã tuyên bố "toàn bộ mảng kinh doanh" hiện đều có biên lợi nhuận dương. Công ty Indonesia cũng khẳng định đạt tốc độ tăng trưởng tới 10% trong năm 2020.

Một báo cáo từ Ngân hàng đầu tư China Renaissance cho biết, các dịch vụ tài chính, trong đó có ví điện tử sẽ là động lực chính thúc đẩy hai kì lân Grab và Gojek có lãi, chứ không phải các mảng kinh doanh truyền thống là gọi xe.

Tuy nhiên, để có thể kinh doanh các dịch vụ tài chính, phải xây dựng trên nền tảng cơ sở người dùng đủ lớn. Nếu ngay từ đầu, những Grab, Gojek hay be muốn kinh doanh dịch vụ tài chính, việc cạnh tranh với những ngân hàng truyền thống còn là một dấu hỏi, khi trong vài năm gần đây các ngân hàng cũng chạy đua chuyển đổi số rất nhiều.

Đằng sau lí do các app gọi xe muốn kinh doanh ngân hàng số - Ảnh 2.

Hệ sinh thái fintech tại Việt Nam tăng gấp 3 lần kể từ năm 2017. (Ảnh: Fintechnews. Việt hoá: Thái Sơn).

Những app này lựa chọn mảng gọi xe, một thị trường với nhiều "điểm đau" cho người dùng, từ tính minh bạch đến giá cả. Khi áp dụng công nghệ với lợi thế của mình, các app nhanh chóng thu hút được một lượng lớn người dùng. 

Khi xây dựng đủ lớn, là thời điểm mà những doanh nghiệp này bắt đầu khai thác, và có thể sẽ bắt đầu từ dịch vụ tài chính, mảng kinh doanh mà China Renaissance đánh giá rất cao trong báo cáo của mình.

Đông Nam Á đang là một mảnh đất màu mỡ cho công nghệ tài chính. Báo cáo ngành 2020 chỉ ra rằng Singapore được xếp thứ 4 về hệ sinh thái fintech toàn cầu. 

Tại Việt Nam, hệ sinh thái startup fintech cũng tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2017. Cùng với lượng người dùng internet tăng trưởng nhanh, theo báo cáo e-Conomy của Google, Temasek và Bain & Company, công nghệ tài chính đang là một mảnh đất màu mỡ với các nhà đầu tư, và các ứng dụng gọi xe hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội.

Trong bối cảnh các cơ quan chức năng bắt đầu siết lại hoạt động gọi xe công nghệ, mà cụ thể là bằng cách đưa ra Nghị định 126 yêu cầu kê khai thuế Giá trị gia tăng trên mỗi cuốc xe từ 3% lên 10%, đã đến lúc các app cần phải tìm một lối đi mới. 

Hiện tại với mảng gọi xe công nghệ, dù tăng giá hay không tăng giá, tăng chiết khấu hay không tăng chiết khấu, các công ty luôn phải chịu áp lực từ khách hàng, tài xế hoặc nhà đầu tư (những người trực tiếp quan tâm tới tình hình lỗ lãi của công ty). Nếu không có chính sách phù hợp, thậm chí các app sẽ vấp phải sự phản đối từ cả ba nhóm trên.

Tiểu Phượng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.