Đàm phán với Trung Quốc thông đường cho khoai lang tím Việt Nam
Theo đại diện Sở NN&PTNT Vĩnh Long hiện diện tích khoai lang của tỉnh đạt khoảng 14.000 ha, sản lượng 350.000 tấn.
Khó khăn tỉnh là chỉ có một nhà máy chế biến với sản lượng còn khiêm tốn, khoảng 2.000-3.000 tấn/năm. Số khoai lang còn lại chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng do dịch COVID-19 nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
"Cách đây hai tuần, có thời điểm giá khoai lang chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi đó giá phải 5.000 đồng/kg trở lên bà con mới có lãi. Sở có tham mưu với UBND tỉnh, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... chung tay chia sẻ thì giá khoai lang lên được 3.000 đồng/kg, nhưng với giá này nông dân vẫn lỗ", đại diện Sở NN&PTNT Vĩnh Long nói.
Cùng cảnh khó, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện tỉnh có 266 ha đang vào vụ thu hoạch, sản lượng đạt 8.500 tấn. Khoai đã thu hoạch nhưng thương lái không thu mua khiến nhiều nông dân trồng khoai lang xuất khẩu ở huyện Châu Thành rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Bộ NN&PTNT cho biết Bộ đã đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thị trường cho một số sản phẩm như khoai lang, ớt.
Trao đổi với người viết, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết ngày 2/6, Cục đã nhận được công hàm phía Trung Quốc đưa ra các yêu cầu về mặt kỹ thuật trong xuất khẩu khoai lang.
"Trong đó, Trung Quốc đề nghị chúng ta hoàn thiện các thông số như mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói, biện pháp quản lý 10 đối tượng dịch hại trên cây khoai lang… Cục đang hoàn thiện hồ sơ và gửi cho phía Trung Quốc vào đầu tuần tới.
Nếu Việt Nam đáp ứng đủ các yêu cầu thì nước bạn Trung Quốc sẽ áp dụng cơ chế ký nghị định thư tạm thời để phục vụ xuất khẩu đối với mặt hàng khoai lang".
Lãnh đạo Cục BVTV cho biết đối với một số tỉnh chưa có cơ sở đóng gói như tỉnh Vĩnh Long, ngay chiều 3/6, Cục sẽ làm việc với tỉnh để thiết lập các cơ sở đóng gói trong thời gian sớm nhất để xuất khẩu được mặt hàng khoai lang sang Trung Quốc.
Bên cạnh xuất khẩu, vấn đề tiêu thụ nội địa cũng gặp một số rào càn kỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thực tế một số doanh nghiệp thu mua khoai lang 1.000 đồng/kg nhưng khi về thành phố phải bán giá 9.000-10.000 do phải chi trả chi phí vận chuyển, phí đường bộ, kho bãi…
"Doanh nghiệp muốn hỗ trợ nông dân nhưng cũng vướng phải nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương tạo thuận lợi cho các HTX thu mua và hỗ trợ việc vận tải cho doanh nghiệp, miễn giảm phí đường bộ trên trạm thu phí, thúc đẩy tiêu thụ nội địa", ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu công nghệ bảo quản thực phẩm. Bởi, các mặt hàng nông sản tươi có thời hạn sử dụng ngắn, chỉ sau 10-15 ngày là bỏ đi.
Nếu nâng cao thời hạn bảo quản 1-2 tháng thì khi dịch COVID-19 ổn định, việc tiêu thụ nông sản vẫn diễn ra thuận lợi.