Đàm phán bán thị trường Mỹ có nguy cơ đổ bể, chủ sở hữu TikTok tăng mức độ chống lệnh cấm của Trump
Vài hôm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh cấm ứng dụng TikTok trừ khi ByteDance bán nó cho một tổ chức, cá nhân Mỹ. Tập đoàn Microsoft thông báo họ đang đàm phán để mua TikTok, với thời hạn chót mà Nhà Trắng cho phép để thương vụ hoàn tất là ngày 15/9. Sau đó, mạng xã hội Twitter cũng đánh tiếng mua TikTok.
Trong khi các cuộc đàm phán giữa ByteDance với Microsoft và Twitter đang diễn ra, một người nắm thông tin về các cuộc đàm phán nói với South China Morning Post rằng khả năng các bên đạt thỏa thuận rất thấp.
"Khả năng Microsoft mua TikTok chỉ đạt không quá 20% do mức giá mà tập đoàn phần mềm Mỹ đưa ra quá thấp, khiến ByteDance cảm thấy Microsoft cướp TikTok khi họ lâm nguy", nguồn tin nói.
Nguồn tin nói thêm rằng khả năng Twitter mua TikTok còn thấp hơn vì họ không có đủ tiền.
Hiện tại TikTok có hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ, trở thành đối thủ đáng gờm với các mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter.
Giá trị vốn hóa thị trường của Twitter vào khoảng 30 tỉ USD, trong khi giá trị của TikTok trước lệnh cấm của Trump đạt chừng 50 tỉ USD. Tuần trước, CNBC đưa tin Microsoft muốn mua hoạt động của TikTok ở Mỹ, Canada, New Zealand, Australia với giá từ 10 tới 30 tỉ USD.
"Ước mơ của Trương Nhất Minh (chủ tịch ByteDance) là tạo ra một doanh nghiệp toàn cầu. Nhưng nếu anh ấy mất TikTok ở Mỹ bằng cách bán nó cho một đối thủ tiềm năng hay rời khỏi Mỹ, anh ấy không còn gì để mất. Vì thế, đương nhiên Trương Nhất Minh sẽ thử mọi khả năng để chống lệnh cấm", nguồn tin bình luận.
Một nguồn tin khác tiết lộ ByteDance đang chuẩn bị tăng mức độ đấu tranh pháp lí đối với lệnh cấm của Nhà Trắng, một phần do dư luận Trung Quốc tỏ ra giận dữ khi tập đoàn chùn bước trước áp lực của ông Trump.
"Phản ứng ban đầu của ByteDance khiến công chúng ở Trung Quốc gọi họ là kẻ quì gối trước Mỹ. Giờ đây ByteDance phải chống trả vì họ không thể lùi nữa. Chính phủ Trung Quốc không có cách nào để cứu TikTok nên ByteDance phải tự tìm giải pháp", nguồn tin thứ hai nhận định.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Washington vì cấm TikTok, và Tân Hoa Xã gọi lệnh cấm là "hành vi cướp đoạt thời hiện đại".
Mệnh lệnh của ông Trump cấm mọi giao dịch giữa công dân, tổ chức Mỹ với ByteDance vì lí do an ninh quốc gia. Ứng dụng nhắn tin WeChat của tập đoàn Tencent cũng chịu lệnh cấm tương tự.
Đương kim Tổng thống Mỹ yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Mỹ xác định những giao dịch thuộc đối tượng của lệnh cấm. Vì thế, chưa ai biết phạm vi của lệnh cấm và những giao dịch cụ thể mà công dân, tổ chức Mỹ không thể thực hiện với TikTok, WeChat. Giới phân tích nhận định rất có thể lệnh cấm sẽ gặp thách thức pháp lí.
Nếu Microsoft không mua TikTok, có thể tỉ phú Bill Gates sẽ cảm thấy vui. Phát biểu với Wired, người đồng sáng lập Microsoft bình luận rằng việc tập đoàn mà ông gây dựng quyết định mua TikTok có thể dẫn tới nhiều phiền toái cho tập đoàn. Ông không thể đoán kết cục của quá trình đàm phán, song dự báo thương vụ sẽ phức tạp và ví nó như một liều thuốc độc với Microsoft.
"Việc Microsoft trở thành đối thủ lớn lớn trong lĩnh vực mạng xã hội sẽ khiến tập đoàn đối mặt với cấp độ kiểm duyệt nội dung hoàn toàn mới", vị tỉ phú đã rời khỏi Microsoft nhận định.
Mặc dù vậy, Bill Gates nhận định sự xuất hiện của những doanh nghiệp cạnh tranh với mạng xã hội Facebook là xu hướng tốt đối với công chúng. Ông thể hiện sự ngạc nhiên trước quyết tâm chặn đứng TikTok của của Tổng thống Donald Trump, bởi "vòng kim cô" của ông Trump đã trực tiếp giúp Facebook loại một đối thủ đáng gờm và duy nhất.